Những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới

02:04, 23/04/2013
.

(QNg)- Chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trạm... mà bỏ quên các thiết chế văn hóa, xã hội; đồ án quy hoạch rập khuôn, người dân và cả cán bộ cơ sở cũng chưa nắm hết nội dung, ý nghĩa của NTM… Đó là những vấn đề mà các địa phương vấp phải trong quá trình triển khai xây dựng NTM.

TIN LIÊN QUAN


Rập khuôn quy hoạch

“Nhận thức của cán bộ cơ sở về NTM chưa rõ ràng, dẫn đến hành động rập khuôn, chạy đua theo thành tích”, đó là ý kiến đánh giá của hầu hết các đại biểu tại Hội thảo khoa học  “Những vấn đề đang đặt ra trong xây dựng NTM ở tỉnh Quảng Ngãi hiện nay”, do Trường Chính trị tỉnh tổ chức. Mà dễ thấy nhất của sự rập khuôn chính là công tác quy hoạch - khâu quyết định hình hài, phong cách NTM của từng địa phương.  

Nhiều bản quy hoạch, cách bố trí hạ tầng điện - đường - trường - trạm giống nhau đã đành, đến việc quy hoạch sản xuất hay số lượng, vị trí các tuyến giao thông thì các xã miền núi cũng chẳng khác đồng bằng, trung du hay ven biển. Thế nên mới có chuyện, một xã ở huyện Nghĩa Hành nằm cạnh núi, cách biển hơn 60 km lại được “để dành” 7 ha cho việc sản xuất… muối! Còn xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Minh Long thì được “dự kiến” sẽ trở thành “phố” với hàng trăm tuyến đường lớn nhỏ, chạy loằng ngoằng quanh… núi!

Để xảy ra tình trạng trên, các địa phương đổ lỗi là "do đơn vị tư vấn làm ẩu! Tuy nhiên, trách người cũng nên ngẫm lại mình. Bởi, đơn vị tư vấn (ĐVTV) được chính xã tin tưởng giao trọn gói bản quy hoạch. Mà đa số những đơn vị này lại ở nơi khác đến nên không am tường điều kiện kinh tế - xã hội, khiến việc đánh giá và “vẽ” theo cảm tính cũng là điều dễ hiểu. Đã thế, ĐVTN không chỉ lập quy hoạch cho một địa phương, mà cùng lúc, họ nhận thầu nhiều nơi. Vậy là, để kịp tiến độ, chẳng trách một số ĐVTV phải coppy các bản quy hoạch. “Nếu ban chỉ đạo xây dựng NTM ở cơ sở không “khoán trắng” cho ĐVTN, mà hỗ trợ thông tin, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thì chẳng có chuyện khảo sát một đường, vẽ một nẻo như thế”, Thạc sĩ Phan Văn Hiếu- Trưởng khoa lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh nhận định.

Đầu tư trọng điểm, có chiều sâu

Sau 2 năm triển khai xây dựng NTM (2011-2012), toàn tỉnh hiện chỉ có 16/164 xã quy hoạch chi tiết và 8/164 xã đạt từ 8 - 13 tiêu chí. Biện minh cho sự chậm trễ này, hầu hết các địa phương đều đổ "do thiếu vốn!". Đây cũng là một lý do, nhưng vốn không phải là nguyên nhân của tất cả các chậm trễ. Bởi, cùng hoàn cảnh “khát vốn" như nhau, nhưng vì sao xã Bình Dương (Bình Sơn) hay Tịnh Trà (Sơn Tịnh) lại có những kết quả tiến sát đích NTM? Vậy kinh nghiệm của những địa phương này là gì? “Đó là nhờ dân”, ông Phan Duy Khánh - Chủ tịch UBND xã Tịnh Trà khẳng định. Nếu như Bình Dương “nhờ” dân góp hơn 30 tỷ đồng để xây mới và hoàn thiện cầu - đường - chợ, chỉnh sửa kế hoạch dồn điền đổi thửa, thì Tịnh Trà lại được dân “phê chuẩn” việc thành lập các vùng sản xuất chuyên canh, hay sáp nhập các HTX. Chính sự "huy động toàn dân vào cuộc" này đã giúp cả hai địa phương trên lột xác trên cả bề nổi - đó là đạt nhiều tiêu chí và độ sâu - chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.   

Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh về tình hình xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, tiến độ thực hiện của tỉnh Quảng Ngãi chậm hơn so với tiến độ chung cả nước. Theo Bộ trưởng, muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM phải khai thác triệt để phương châm “từ nhà ra vườn, từ vườn ra ruộng”. Đây là kinh nghiệm được nhiều địa phương áp dụng thành công. Nghĩa là, muốn đạt NTM, trước hết phải làm cho dân hiểu NTM là gì. Họ được hưởng lợi gì từ NTM... Khi đã thông suốt, chính người dân sẽ tích cực tham gia phong trào và tự nguyện góp công, góp của để xây dựng NTM.  
 

MỸ HOA
 


.