Các khu tái định cư ở Sơn Hà: Dân “chê” nơi ở mới

08:04, 21/04/2013
.

(QNg)- Trong vòng 5 năm qua, tại xã Sơn Linh và Sơn Ba (Sơn Hà) đã xây dựng 3 khu tái định cư với tổng vốn hơn 15 tỷ đồng để di dời gần 200 hộ dân đến sinh sống. Thế nhưng, thay vì vui mừng dọn về nơi ở mới, đồng bào Hrê nghèo nơi đây lại băn khoăn, thậm chí nhiều hộ sau khi vào khu tái định cư lại quay  về chốn cũ…
 

TIN LIÊN QUAN


Khu tái định cư “lôi thôi”

Năm 2008, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) được giao làm chủ đầu tư Khu tái định cư Gò Vườn, xã Sơn Linh để di dời 40 hộ dân xóm Ka La về định cư. Khu tái định cư này có 2 khu dân cư, trong đó chỉ có khu dân cư số 1 (gồm 7 nền tái định cư) đã hoàn thiện. Khu dân cư số 2 (33 nền tái định cư) chưa hoàn thành việc san ủi mặt bằng. Hiện tại, khu tái định cư Gò Vườn chỉ mới có hệ thống điện thắp sáng, hệ thống nước sạch vừa làm xong đã hư hỏng; không có đường nội bộ, không có hệ thống thoát nước; đường ngoại vùng dẫn vào khu tái định cư xuống cấp, hư hỏng, có điểm độ dốc cao. Tính đến nay, sau 5 năm đầu tư, chỉ có duy nhất hộ ông Đinh Gùi vào ở.

 

Những ngôi nhà TĐC bị bỏ hoang ở khu TĐC Mang Po, thôn Làng Bung, xã Sơn Ba.
Những ngôi nhà TĐC bị bỏ hoang ở khu TĐC Mang Po, thôn Làng Bung, xã Sơn Ba.



Ông Nguyễn Phan Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh cho biết: Nguyên nhân do đất làm mặt bằng khu tái định cư chưa được chủ đầu tư bồi thường thỏa đáng về đất, cây cối, hoa màu cho người có đất, nên các hộ tái định cư không đến ở, sợ va chạm, gây mất đoàn kết. Hơn nữa, mặt bằng khu tái định cư số 2 chưa hoàn thiện, thiếu thông thoáng, diện tích đất ở chật chội, không có nơi xây dựng công trình phụ, làm chuồng trại chăn nuôi. “Nói chung, khu tái định cư xây dựng, không đảm bảo cuộc sống cho dân nên dân không chấp nhận vào ở. Tình trạng kéo dài dây dưa này, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân” – ông Nguyễn Phan Thanh Hải nói.

Làm nhà để… bỏ hoang!

Khu tái định cư Mang Po, thôn Làng Bung, xã Sơn Ba có tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, đảm bảo chỗ ở cho 50 hộ dân do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, hoàn thành vào tháng 10/2010. Hai năm sau đó, chủ đầu tư tiếp tục “bổ sung” hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch (tự chảy), điện thắp sáng. Thế nhưng hiện nay mới chỉ có vài ba hộ dân vào ở. Nhiều ngôi nhà vắng chủ lâu ngày trở nên hoang tàn, rệu rã, mục nát.

Chúng tôi vượt sông Re trên một chiếc cầu tre nhỏ để về Làng Bung. Đường dẫn vào khu tái định cư Mang Po hẹp, dốc, nhiều đoạn sâu như rãnh thoát nước. Buổi trưa, khu tái định cư không một bóng người. Những người dân xung quanh khu vực này cho biết, những hộ tái định cư ít về đây ở lắm. Họ vẫn còn sinh sống dưới chân núi Cạp La có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. “Họ chê nơi ở mới chật chội, không có đất sản xuất, đi ruộng, đi rẫy xa nên chỉ làm nhà tạm để đó rồi trở về chốn cũ sinh sống”, ông Đinh Văn Viên – già làng Làng Bung nói.

Khu TĐC đồi Mang Po, xã Sơn Ba sau 4 năm thực hiện vẫn chưa hoàn thành và tiềm ẩn nguy cơ “trắng” dân vào ở.
Khu TĐC đồi Mang Po, xã Sơn Ba sau 4 năm thực hiện vẫn chưa hoàn thành và tiềm ẩn nguy cơ “trắng” dân vào ở.


Chuyện “những ngôi nhà hoang bên sông Re” này được bà Đinh Thị Thanh Hường – Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà lý giải: “Do suất hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ dân không đủ để làm nhà đàng hoàng mà chỉ làm nhà lá tạm bợ. Huyện cũng lo lắng về sự an toàn tính mạng cho dân, nhưng do các hộ này trước đây đã được hỗ trợ tiền làm nhà theo Chương trình 134, 135 cả rồi, giờ đành chịu, không thể tiếp tục hỗ trợ nữa. Hơn nữa, công trình này do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, nên huyện không thể xem xét xử lý những bất cập được”.

Nguy cơ “trắng” dân định cư!

Khu tái định cư đồi Mang Po, xã Sơn Ba được UBND tỉnh phê duyệt năm 2009, giao cho UBND huyện Sơn Hà làm chủ đầu tư và ấn định thời gian hoàn thành trong năm 2010. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do gặp khó khăn về vốn, một số nhà thầu thiếu tinh thần trách nhiệm trong thi công, dẫn đến tiến độ dự án kéo dài nhiều năm. Hiện nay, khu tái định cư này mới chỉ có các công trình phúc lợi, gồm trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình điện thắp sáng và mấy “cây nước sạch”. Sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay tiến độ bình quân mới đạt khoảng 75% tổng khối lượng.

Từ Sơn Ba, chúng tôi vượt sông Re, đến điểm tái định cư đồi Mang Po. Điểm tái định cư này có mặt bằng hơn 15.000m2, nằm trên cao như ruộng bậc thang, nhấp nhô sỏi đá. Nhiều điểm có dấu hiệu sạt lở. Tại đây chỉ có vài cái chòi lá nhỏ. Đối diện với khu nhà ở là trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng mới xây nằm im lìm dưới chân núi. 75 hộ dân ở 3 thôn Gò Da, Mò O, Mang Po vì phải chờ đợi quá lâu nên chẳng ai còn nhắc đến chuyện “về nơi ở mới” nữa.

Trước đây, vì thôn Gò Da ở tận non cao, không có đường giao thông nên huyện quyết định lập khu tái định cư để di dân xuống núi. Thế nhưng, năm 2012 mỗi hộ dân Gò Da đã tự đóng góp 6 triệu đồng/hộ để mở đường giao thông có thể chạy xe máy từ làng đến xã thuận tiện. “Trước làng mình không có đường, mới mong xuống núi. Nhưng nay có đường rồi, dân muốn ở lại đây thôi! Với lại khu tái định cư chỉ cách làng có 5km, có nơi chỉ 2,5km đi xe máy vèo một cái là tới.

Di dời nhà cửa khổ dân lắm!”– anh Đinh Văn Anh, thôn Gò Da nói. Còn ông Đinh Văn Dố - Trưởng ban Mặt trận thôn Gò Da – một trong 38 hộ dân của thôn trong danh sách di dời về khu tái định cư đồi Mang Po lại ý kiến: “Nhà nước chỉ hỗ trợ 15 triệu đồng, sợ không đủ tiền làm nhà, dân không ưng bụng đi đâu”.


Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.