“Dũng sĩ diệt chuột” ở Tịnh Ấn Đông

01:12, 19/12/2012
.

(QNĐT)- Vụ lúa đông xuân năm nay, nông dân ở thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông (Sơn Tịnh) rất hồ hởi, an tâm bước vào vụ sản xuất mới mà không phải lo lắng nhiều đến nạn chuột cắn phá mùa màng. Bởi đã có “dũng sĩ diệt chuột” là lão nông Bùi Tín (72 tuổi). Chỉ trong vòng gần 2 tuần ra quân diệt chuột chuẩn bị cho vụ mùa mới, lão nông Tín đã cài bẫy, thu trên 640 con chuột đồng.

TIN LIÊN QUAN


Gia đình ông vốn nghèo, 6 nhân khẩu sống nhờ vào vài sào lúa trên xứ đồng Tự Do. Nhưng năm nào cũng vậy, hễ lúa đang lên tốt bời bời thì lại bị họ hàng nhà Tý hỏi thăm, cắn phá. Nhìn thân lúa bị gãy đôi, rồi đến kỳ thu hoạch chẳng còn bao nhiêu lúa, ông xót xa đến mất ngủ.

Từ đó, ông quyết tâm mày mò nghiên cứu về tập tính cũng như sinh hoạt của chuột. Ông “mật phục”, quan sát chúng từng li từng tí. Sau khi tìm hiểu kỹ về giờ giấc hoạt động của chuột, ông quyết định “tuyên chiến” với họ hàng nhà chuột theo cách rất riêng của mình.

 

Lão nông Tín hân hoan với chiến lợi phẩm
Lão nông Tín hân hoan với chiến lợi phẩm

Ban đầu, ông mua hàng chục chiếc bẫy lồng đem đặt ở khắp các lối mòn trên ruộng của mình. Ông bỏ công thức khuya dậy sớm nhưng kết quả chỉ có vài con lọt bẫy. Trong khi đó, mùa màng vẫn bị thất bát vì chuột.

Thất bại không khiến người nông dân nghèo bỏ cuộc mà tiếp tục nghiên cứu tìm cách khác. Sau một thời gian tìm hiểu về hiệu quả của loại bẫy bán nguyệt, ông quyết định bỏ tiền đầu tư, thay đổi “chiến thuật” và chuyển toàn bộ “vũ khí” bẫy lồng sang loại bẫy mới. Với phương cách này, trong 3 năm qua, số chuột ông tiêu diệt đã lên đến hàng chục nghìn con.

Quy trình bắt chuột của lão nông Bùi Tín đều như vòng quay của kim đồng hồ. Ngày nào cũng thế, vào khoảng 4 giờ 30 phút chiều ông lặng lẽ cho thức ăn vào hàng chục chiếc bẫy đơn giản làm mồi nhử. Không chỉ đặt bẫy chuột trong ruộng lúa của gia đình mình, mà ông còn cất công đi chân đất hàng cây số ra các cánh đồng của bà con trong thôn, đặt bẫy phục kích. Đến khoảng 10 giờ khuya, ông Tín rón rén phơi sương ra thăm bẫy. 5 giờ sáng hôm sau, ông tất tả ra thu chiến lợi phẩm về một cách dễ dàng.
 
Trong “cuộc chiến” với chuột, ngày nào ông Tín cũng hân hoan trở về với khoảng 30-40 con chuột trong tay. Có ngày được hơn 60 con. Thế nhưng, ước muốn lớn nhất của ông là, số chuột dính bẫy của ông ngày càng ít đi.

Cứ như vậy, 3 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Tín lặng lẽ làm công việc không giống ai của mình. Trên cánh đồng rộng 22 ha của thôn Tự Do, nơi nào cũng có dấu chân ông Tín lặng lẽ đi qua để, diệt chuột cho bà con.

 

Loại bẫy bán nguyệt giúp ông tiêu diệt hàng chục nghìn con chuột trong 3 năm qua
Loại bẫy bán nguyệt giúp ông tiêu diệt hàng chục nghìn con chuột trong 3 năm qua

Việc làm này của ông Tín chẳng những có tác dụng làm hạn chế việc sinh sản và cắn phá của chuột đối với hoa màu mà còn có sức lan tỏa, lôi cuốn những người chung quanh cùng ông tham gia diệt chuột. Ông Phùng Thắng- Trưởng thôn Tự Do chia sẻ: Diệt chuột thì ai cũng diệt được, nhưng diệt được nhiều và chăm chỉ, siêng năng với công việc này thì chỉ có ông Tín. Với sự nhiệt tình của ông, nhiều bà con trong thôn đã tới học hỏi, nhờ chỉ dẫn kinh nghiệm để bắt chuột trong ruộng nhà.

Từ đó, đã tạo nên phong trào diệt chuột trong thôn và 5 thôn lân cận trong xã. Vừa qua, toàn xã ra quân diệt được hơn 1.600 con chuột chuẩn bị cho vụ đông xuân sắp tới, riêng ông Tín diệt được hơn 640 con chuột.

Bằng những chiếc bẫy hết sức đơn giản nhưng nhờ sự chăm chỉ cần cù, ông đã diệt chuột bảo vệ mùa màng, giúp người dân giảm thiệt hại trong sản xuất. Ông Tín còn được bà con kháo nhau, gọi theo cách trìu mến nhất: Ông Tín diệt chuột trên đất Tự Do.
 
Ông Tín tâm đắc chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi vô tình thấy được hiệu quả bất ngờ của loại bẫy bán nguyệt sau khi xem chương trình Làm bạn với nhà nông trên ti vi. Loại bẫy được bán trên thị trường với giá 5 nghìn đồng/chiếc, rất hợp với túi tiền của bà con nông dân".

Thức ăn dùng đặt bẫy khá đơn giản như: Bắp, đậu phông, củ mỳ… Nhưng cái hay của loại bẫy này là chỉ cần đặt ở đúng chỗ lối mòn chuột chạy qua lại thì ắt hẳn chuột sẽ dính bẫy. Ông Tín cầm cái bẫy bán nguyệt giới thiệu từng chi tiết, rồi cười bảo: "Nhìn nhỏ gọn thế này thôi, nhưng hiệu quả vượt trội so với loại bẫy lồng thông thường. Nếu như chiếc bẫy lồng chỉ bẫy được chuột khi chúng chịu chui đầu vào tìm thức ăn trong bẫy, thì bẫy bán nguyệt hoạt động đơn giản hơn rất nhiều. Một khi chuột chạy vào vùng bẫy, chạm nhẹ chân vào chiếc bẫy thì sẽ bị kẹp chặt lại ngay tức khắc".

Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số lượng lớn chuột sinh sản, có nguy cơ cao gây hại cho mùa màng của bà con. Bằng những chiếc bẫy thủ công đơn giản, dễ thực hiện như của ông Tín, sẽ phần nào hạn chế được nguy cơ từ chuột. Đây là cách làm đáng được học hỏi và nhân rộng ở khắp các cánh đồng trong tỉnh.


Thanh Phương

 


.