Nỗi khổ người dân tái định cư

07:10, 15/10/2012
.

(QNĐT)- Mang theo ước vọng “đời sống sẽ tốt hơn nơi ở cũ” nhưng sau khi đến các khu tái định cư (TĐC), người dân thực sự vỡ mộng bởi khu TĐC chẳng có nước sạch, đường sá thì lầy lội, điện chập chờn, trường học và trạm y tế bị bỏ hoang... khiến cho cuộc sống của người dân TĐC vốn đã thiệt còn khổ.

TIN LIÊN QUAN


Nếu như những người đã chuyển đến sống tại các khu TĐC than thở rằng “cơ sở vật chất hạ tầng ở đây vừa thiếu vừa yếu” thì, cũng có không ít người nằm trong diện di dời (do bị thu hồi đất để phục vụ dự án) luôn mong mỏi sớm được về khu TĐC để không còn phải nơm nớp lo sợ nhà sập mỗi khi mưa đổ gió rít.

*Khoảng lặng ở khu TĐC

Được xây dựng vào những năm 1998, khu TĐC Đông Thuận tại xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh) được kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của các hộ dân ở hai xã Bình Đông và Bình Thuận (Bình Sơn) sau khi vào cư ngụ.

Tuy nhiên, đã 14 năm trôi qua kể từ ngày động thổ xây dựng khu TĐC, người dân nơi đây luôn khắc khoải mỗi khi nhớ lại lời hứa của các cấp chính quyền rằng hạ tầng của khu TĐC sẽ được xây dựng đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân như: Đường sá sẽ được nhựa hóa, nước sạch đảm bảo, con em có trường học đàng hoàng, người dân có trạm y tế để chăm sóc sức khỏe…

 Nhiều cống thoát nước ở khu TĐC Đông Thuận không được lắp nắp gây nguy hiểm cho người dân
Nhiều cống thoát nước ở khu TĐC Đông Thuận không được lắp nắp gây nguy hiểm cho người dân


“Nhưng đến năm 2010 mà chúng tôi vẫn phải sống với con đường đất lầy lội, nước sạch thì bữa có bữa không, còn trường học và trạm y tế thì bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc phủ”, ông Đỗ Văn Lên cho hay.

Mãi đến năm 2011, nghĩa là 13 năm sau khi khu TĐC Đông Thuận ra đời, tuyến đường nội bộ khu nơi đây mới được thảm nhựa. Tuy nhiên, người dân chưa kịp vui mừng vì thoát khỏi cảnh “nắng bụi mưa bùn” thì phải lo tìm cách đối phó với nạn ngập nước.

 “Mưa xuống là nước lại ứ đọng vì cống thoát nước xây cao hơn mặt đường. Đã thế, nhiều cống vẫn chưa có nắp đậy nên rất dễ “bẫy” người, nhất là trẻ con”, bà Lê Thị Hoa bức xúc cho biết.

Trường học bị bỏ hoang ở khu TĐC Đông Thuận
Trường học bị bỏ hoang ở khu TĐC Đông Thuận


Còn ở khu TĐC Châu Me, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) thì lại hoang vắng đến thảm hại khi trường học, nhà cửa dù được xây dựng kiên cố nhưng luôn trong tình trạng “cửa đóng then cài”. “Đường thì lầy lội, nước lại bị nhiễm phèn vàng khè, điện thì chưa được đấu nối đến từng nhà thì làm sao chúng tôi dám ở, còn chuyện học hành của con cái nữa chứ”, anh Trần Văn Thái cho hay.

Có lẽ vì vậy mà dù căn nhà ở khu TĐC khang trang, bề thế nhưng vẫn bị anh đóng cửa để đưa vợ con về tá túc trong ngôi nhỏ ở trong xóm. “Dù ở đây chật chội nhưng được cái đường sá sạch sẽ, có điện và nước sạch nên cuộc sống dễ chịu hơn”, anh Thái giải thích.

*Mong được về khu TĐC

Trong khi người dân ở các khu TĐC ngán ngẩm với nơi ở mới thì 14 hộ dân ở thôn Thế Long, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) lại ngày đêm mong mỏi sớm được về khu TĐC để thoát khỏi cảnh sống trong những ngôi nhà ổ chuột vừa chật vừa ẩm thấp. Nguyên nhân của tình trạng “dở khóc dở cười” này là vì, diện tích đất của các hộ này bị vướng vào quy hoạch khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong nên dù nhà cửa bị hư hỏng, xuống cấp từ nhiều năm nay nhưng vẫn không được phép sửa chữa.

 Bà Tâm ngày đêm mong được rời khỏi căn nhà dột nát, xiêu vẹo
Bà Tâm ngày đêm mong được rời khỏi căn nhà dột nát, xiêu vẹo


“Đợi hoài, đợi mãi mà không thấy khu TĐC đâu, trong khi nhà thì dột nát, xiêu vẹo mà đâu được phép tu sửa. Không biết người dân chúng tôi phải sống như thế đến bao giờ”, bà Trần Thị Ngà than thở.

Còn bà Nguyễn Thị Tâm (78 tuổi) thì đã 5 năm nay, chưa đêm nào bà được tròn giấc vì bị đánh thức bởi tiếng “rắc rắc” của căn nhà mỗi khi có cơn gió rít qua. “Người ta hứa khi nào xây nhà ở khu TĐC xong, sẽ chuyển bà đến ở cho yên tâm. Nhưng bà đã đợi hơn 5 năm rồi mà vẫn không thấy đâu”, bà Tâm nói.

Vừa nói, bà vừa chỉ cho tôi xem những vết nứt chạy loằng ngoằng trên tường cùng căn bếp xiêu vẹo chực đổ sập bất cứ lúc nào khiến tôi cũng ái ngại. Đã thế, mỗi khi mưa xuống là căn nhà nhỏ lại bị nước bao vây gây ngập úng cục bộ. “Mặt bằng KCN Tịnh Phong được đổ đất cao hơn nhà dân, trong khi con mương thoát nước thì bị bồi lắng nên hễ có mưa, là nước lại ứ đọng, khổ lắm”, ông Nguyễn Cường, trưởng thôn Thế Long cho hay.

Theo ông Trần Đức A, Chủ tịch UBND xã Tịnh Phong thì: “Sở dĩ 14 hộ này phải sống trong cảnh “đi không được, ở chẳng đành” là vì khu TĐC Tịnh Phong xây dựng bị chậm tiến độ, đến khi sắp hoàn thành thì lại dính vào quy hoạch VSIP nên hiện tại, địa phương cũng chỉ biết… chờ cấp trên xem xét, giải quyết!”.


Bài, ảnh: MỸ HOA
 


.