Nghĩa Hành: Bất cập ở các khu tái định cư

08:07, 10/07/2012
.

(QNg)- Nghĩa Hành là một trong những địa phương trong tỉnh được Nhà nước đầu tư xây dựng các khu tái định cư (TĐC) nhằm tạo điều kiện ổn định đời sống người dân ở các vùng sạt lở, có nguy cơ lũ quét... Tuy nhiên một số khu TĐC hiện nay đang tồn tại một số bất cập về các công trình hạ tầng như: Hệ thống điện, nước sinh hoạt… gây ảnh hưởng đến đời sống hàng chục hộ dân.

TIN LIÊN QUAN


Đến một số khu TĐC trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, chúng tôi mới cảm nhận được những khó khăn mà người dân sống ở đây đang trải qua. Những bất cập về vấn đề dân sinh như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà, việc cung cấp điện, nước sinh hoạt, đất sản xuất… đang là mối lo chung của họ.

Bà Lê Thị Dương khu TĐC Gò Quýt - Vạn Xuân (Hành Thiện) bức xúc trước tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.
Bà Lê Thị Dương khu TĐC Gò Quýt - Vạn Xuân (Hành Thiện) bức xúc trước tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt.


Điển hình như khu TĐC Triền Đông Núi Bé, xã Hành Nhân, mặc dù người dân đã ở từ năm 2010, nhưng đến nay vẫn chưa có điện, đường thì đã hư hỏng. Muốn sử dụng điện, người dân phải dùng "ké" từ thôn bên cạnh. Vì vậy, đến nay sau hơn 2 năm giao nền cho người dân, chỉ có một số ít hộ dân về đây xây dựng nhà. Người dân ở đây không có đất sản xuất nên đời sống kinh tế rất khó khăn. Hơn nữa, những hộ dân đến khu TĐC, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến khó khăn trong việc vay vốn để  phát triển kinh tế. Chị Tiêu Thị Thu Xiêm ở khu TĐC Triền Đông Núi Bé bức xúc nói: "Có an cư mới lạc nghiệp, nhưng ở đây chúng tôi khó mà an cư được, điện không đủ xài, ban ngày mô tơ không chạy được, nước giếng cạn nước không đủ sinh hoạt nên chúng tôi rất khó khăn khi sống ở đây".

Còn khu tái định cư An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), được đầu tư xây dựng từ năm 2009, với tổng diện tích hơn 8.000m2. Khu TĐC này dự kiến sẽ bố trí đất cho hơn 40 hộ dân nghèo ở vùng sạt lở ven suối, vùng trũng thấp, lở núi đến xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống lâu dài. Đến năm 2010, mặt bằng và hệ thống điện, nước sinh hoạt đã được chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi xây dựng hoàn thành.

Thế nhưng, đến nay khu tái định cư này chỉ có vài hộ gia đình đến sinh sống. Theo nhiều hộ dân được xét duyệt xây nhà ở khu tái định cư này, phần lớn những người đến đây đều là hộ nghèo, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng, nhưng xây nhà xong, mới được nhận tiền. Với số tiền ấy, người dân chỉ đủ xây được cái móng nhà. Nhiều người đành phải chấp nhận ở căn nhà cũ. Mặt khác, người dân đến nơi TĐC không có đất canh tác, sản xuất. Diện tích bố trí TĐC theo hạn mức, có nhiều trường hợp không bằng diện tích đất ở bị thu hồi nên điều kiện sinh hoạt, chăn nuôi bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân không thể mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế.

Với khu TĐC thôn Gò Quýt - Vạn Xuân xã Hành Thiện (Nghĩa Hành), khu TĐC này được xây dựng hoàn thành từ năm 2007 và đã chuyển 40 hộ dân ở vùng sạt lở núi Ngang vào TĐC. Tuy vậy, ở khu tái định cư này hiện chưa xây dựng hệ thống thoát nước, nên mưa lớn không chỉ người dân khu tái định cư mà cả thôn phải chịu cảnh ngập nước, rác thải. Ông Mai Duy Tuấn- Chủ tịch UBND xã Hành Thiện cho biết: Do quá trình khai thác keo, nên  vào mùa mưa là nước từ núi Vàng đổ về, do không có hệ thống thoát nước nên tràn vào nhà dân gây ảnh hưởng đến đời sống bà con.

  Nói về khó khăn của bà con nơi TĐC, ông Đàm Bàng- Trưởng phòng Nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Nghĩa Hành cho biết: Nghĩa Hành là huyện trung du duy nhất của tỉnh, được cấp trên phê duyệt đầu tư xây dựng 5 khu TĐC gồm:  Khu TĐC Triền Đông Núi Bé (Hành Nhân), Thổ Dộc, xã Hành Dũng, An Chỉ Tây, xã Hành Phước, Gò Tranh, xã Hành Thịnh, và khu TĐC thôn Gò Quýt - Vạn Xuân xã Hành Thiện (Nghĩa Hành).

Mỗi khu được xây dựng các hạng mục: Giải phóng mặt bằng, xây dựng hệ thống điện, nước, trường mẫu giáo và đường nội bộ để đưa hàng trăm hộ dân ở các vùng sạt lở ven sông, vùng trũng thấp, lở núi đến xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống trước mùa mưa bão năm 2010, do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.  Trước một số khó khăn của người dân ở khu TĐC hiện nay cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chủ đầu tư và UBND xã, huyện. Cần rà soát quy hoạch hợp lý hơn ở các khu TĐC. Việc người dân ở khu TĐC chưa được cấp sổ đỏ, Chi Cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cần phối hợp với chính quyền xã sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân TĐC, đồng thời không để lãng phí vốn đầu tư của Nhà Nước cho các công trình này.


    Bài, ảnh: KN
 


.