(QNg)- Sông Thoa mùa này nước cạn trơ đáy. Phụ nữ, đàn ông và những đứa trẻ sáng chiều bám lấy sông mưu sinh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Sông Thoa hợp lưu từ nhiều nhánh rẽ của các con sông chảy xuống từ phía Tây huyện Nghĩa Hành và Ba Tơ. Đến đoạn hạ lưu thuộc địa phận xã Phổ Minh, Phổ Quang (Đức Phổ) lòng sông càng rộng. Bốn mùa nước chảy, sông đã tạo nên những loại thuỷ sản có giá trị để nuôi dưỡng bao cuộc đời cư dân ven sông.
Dòng sông Thoa nhộn nhịp cảnh mưu sinh khi chiều xuống. |
Phổ Quang nằm ở tả ngạn sông Thoa, giáp cửa biển Mỹ Á. Nơi đây, ruộng ít, đất vườn chỉ toàn cát trắng. Mùa nắng đi bỏng chân, mùa mưa gió thổi thông thốc. Bao đời nay, con sông đem lại nguồn sống cho hàng vạn hộ dân nghèo. Cứ bắt đầu một ngày mới là đàn ông xuống sông giăng lưới, kéo cá, đàn bà, con gái cào don, bắt dăn dắt...
Các em thơ ngày hè xuống sông cào ốc gạo để bán. Giơ cao rổ ốc lên khoe, cháu Nguyễn Thanh Hoài cười tươi: "Bấy nhiêu là được 30.000 đồng. Đây là "thành quả" cháu kiếm được sau hơn 3 giờ khi con nước ròng. Cháu cố gắng làm trong ngày hè để kiếm tiềm mua áo, dép mới, sách vở chuẩn bị bước vào lớp tám". Cách đó vài mét nhiều bạn trẻ cùng trang lứa với Hoài đứa đen nhẻm, đứa tóc đỏ hoe, mặc quần cộc, chạy bươn tìm con ốc nhô trên cồn cát. Ngoài xa, con nước sâu nửa thân người, những người mẹ, người chị với đôi tay thoăn thoắt cào don. "Cũng được 10kg dăn dắt. Tính ra mỗi ngày cũng kiếm được 50.000 đồng từ dòng sông này. Hôm nào khỏe cũng kiếm được 100.000 đồng. Đỡ phải vào Nam buôn bán" - Chị Hồ Thị Yên chia sẻ.
Chiều xuống. Con nước ròng. Các loại thủy sản lại nổi lên. Dòng sông trở nên nhộn nhịp. Nhiều gia đình đổ xô ra sông lượm ốc, cào don, bắt trùn nước, kéo cá...
"30 năm rồi chứ đâu phải bây giờ. Dòng sông đã cho tôi chén cơm và nhiều thứ khác từ bán con dăn dắt, con don, con cá mà mình đánh bắt được ở lòng sông" - ông Võ Văn Hùng thôn Du Quang nói. Ông rất vui khi nhắc đến 5 người con. Đứa học đại học, đứa cao đẳng, người đã ra trường làm việc đều nhờ dòng sông Thoa. Cả cuộc đời gắn bó với dòng sông, ông Hùng nắm được quy luật của con nước, nên chờ đêm xuống vác cào đi cào. Có hôm, gió rít gào quất vào da thịt, tím tái người, nhưng ông cào được đến 2 -3 tạ don. Nhà ông trở thành đầu mối cung cấp ruột, nước con don, dăn dắt cho các chợ trong tỉnh và tận TP. Hồ Chí Minh. Bây giờ, sức ông đã yếu. Ông chỉ thu mua mỗi ngày 1 tạ dăn dắt cung cấp phương xa. Món don đậm đà mùi vị quê hương đã được nhiều thực khách xa gần nếm thử.
Ở dòng sông Thoa, có một bộ phận dân nghèo còn mưu sinh bằng nghề đào trùn nước ở đáy sông. Cái nghề thật khắc nghiệt. Muốn bắt được con trùn, người đào phải ngụp lặn dưới đáy sông cả buổi ròng. Ông Nguyễn Có (thôn Hải Tân) trở thành tay thợ săn trùn sành sỏi từ khi nào chẳng rõ. Người dân trong vùng chỉ biết cuộc sống của ông nghèo lắm nên ngày nào ông cũng có mặt ở dòng sông. Hết cào don, lượm ốc, bắt cá đối, ông lại đào trùn nước. Hơn 12 năm trước, con trùn nước chẳng có giá trị bao nhiêu. Ông quần quật mãi trên sông mà chẳng kiếm đủ tiền để nuôi con, cùng cha già. Năm 2002, con trùn nước được các tư thương ở Bình Định vào mua nên ông phấn khởi tiếp tục bỏ công săn lùng loại hải sản này. Bây giờ, cứ mỗi ngày ông dầm mình từ 6 - 7 giờ trên sông là kiếm được vài trăm ngàn đồng. Cuộc sống của ông cùng bà con quanh làng dần khá lên...
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND xã Phổ Quang cho biết: Trên địa bàn xã hiện có hơn 100 hộ dân mưu sinh trên sông Thoa bằng các nghề cào don, cào trai, chài lưới… Đó còn chưa kể hàng trăm hộ dân làm trên sông lúc nông nhàn. Riêng nghề "săn rồng đất" (đào trùn) đã giúp cho hơn 40 hộ dân thoát cảnh đói nghèo.
Sông Thoa ngàn năm vẫn chảy. Các loài thủy hải sản cứ sinh sôi. Bao lớp người Phổ Quang đã chọn con sông làm nơi mưu sinh thay ruộng, vườn. Chuyện bắt ốc, cào don đã đi vào giấc mơ, bước vào giảng đường đại học của tuổi trẻ. Chuyện kéo cá, giăng chài, đào trùn nước... đã làm thay đổi bao số phận nghèo khó.
Mai Hạ