Sông Thoa bị bồi lấp: Nông dân khổ suốt hơn 20 năm

08:04, 23/04/2011
.

(QNg)- Lòng sông Thoa bị bồi lấp và sạt lở nghiêm trọng, dẫn đến dòng chảy không được khơi thông, khiến cho hàng nghìn hécta lúa dọc sông Thoa bị ngập úng triền miên. Đã hơn 20 năm qua nỗi khổ ruộng đồng ngập úng "đè nặng" trên đôi vai người nông dân.
 
*  Hệ lụy khi sông bồi lấp

Sông Thoa nguyên là sông đào từ thời Pháp thuộc, lấy nước từ sông Vệ tưới cho phần lớn diện tích canh tác ở phía Nam sông Vệ và phía Bắc Trà Câu thuộc 3 huyện: Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ. Đây là con sông tiêu duy nhất cho vùng trũng của ba huyện nói trên. Tổng chiều dài của sông Thoa hơn 32km.
 
Do không được đầu tư nạo vét, tu bổ, nên dòng sông bị bồi lấp và sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Dọc tuyến kênh có nhiều đoạn bị bồi lấp từ 0,5-1,5m. Bờ sông bị sạt lở từ 5-20m trên toàn tuyến. Càng về hạ lưu, tình trạng bồi lấp càng nặng. Lòng sông bị bồi lấp, khả năng tiêu thoát nước càng hạn chế. Và hệ lụy là hàng nghìn nông dân ở 17 xã thuộc 3 huyện nói trên thật khốn đốn vì ruộng lúa bị ngập úng triền miên (tổng diện tích hơn 6.000ha).
 
Cây lùng ken dày trên những đám ruộng bỏ hoang dọc sông Thoa.
Cây lùng ken dày trên những đám ruộng bỏ hoang dọc sông Thoa.

Đối với nông dân trồng lúa ở dọc sông Thoa thì nỗi gian truân, vất vả tăng thêm bội phần. Chỉ cần một cơn mưa nhẹ độ chừng 50mm là coi như nước ngập trắng đồng bởi lòng sông bị bồi lấp, khả năng tiêu úng chậm. Nhiều người rơi nước mắt vì phải gieo sạ nhiều lần, tiền của, công sức trôi theo nước. Gần đây nhất là vụ đông xuân 2011, nông dân ở các xã Đức Chánh, Đức Phong… phải sạ lại đến lần thứ ba, thứ tư.

Dự án đầu tư xây dựng công trình tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa được C.ty TNHH MTV khai thác công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi lập năm 2009, với tổng mức đầu tư  338 tỷ đồng (huy động nguồn vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh). Người dân vui mừng khôn tả khi biết được nguồn tin này. Tuy nhiên,  dự án nằm trên giấy mãi cho đến năm 2011 vì chưa được bố trí vốn. Cuối tháng 3/2011, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu đợt 1 dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa với tổng mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng. Mới đây, UBND tỉnh quyết định bổ sung thêm vốn khoảng 8-10 tỷ đồng để thực hiện dự án.
Ở các địa phương khác gieo sạ đúng lịch thời vụ của tỉnh nên hiện tại đang vào mùa thu hoạch. Nhưng ở các cánh đồng dọc sông Thoa, nhiều diện tích lúa hiện chỉ mới gieo sạ được 1 tháng. Có ruộng lúa hiện chỉ mới làm đòng. Nguyên nhân là do sạ lại nhiều lần vì bị ngập nước.
 
Bà Lê Thị Hồng (ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong) thở dài: "Dòng sông bị bồi lấp ngang bằng với mặt ruộng thì nước thoát thế nào được. Chừng nào dòng chảy sông Thoa được khơi thông thì nông dân mới bớt khổ. Sạ đến lần thứ ba vẫn không yên tâm, vì cái sự mất mùa do ngập úng cứ chầu chực mãi".

Sạ muộn, cơ quan chức năng "cắt" nước Thạch Nham để các địa phương khác thu hoạch lúa, đồng ruộng ở vùng trũng sông Thoa lại chịu cảnh khô hạn. Sạ muộn, nên vụ hè thu năm nào đồng lúa ở vùng trũng sông Thoa chưa kịp thu hoạch đã ngập chìm trong nước. Nhiều hộ "mất trắng". Người dân ở vùng trũng sông Thoa năm nào cũng  "chạy đua" với nước lũ để cứu lúa. Có người trông ruộng lúa và khóc ròng, vì bao nhiêu hy vọng, tiền của "đổ dồn" vào ruộng lúa, nay chịu cảnh trắng tay.

* Tiền của tiêu tan, nhiều người bỏ ruộng

Ông Nguyễn Đình Long-Chủ tịch UBND xã Đức Phong làm phép tính: "Mỗi sào sạ 5 kg giống (tương đương với 60.000 đồng). Tiền băm ruộng khoảng 60.000đồng/sào. Vị chi mỗi lần sạ lại người dân tốn ít nhất 120.000đồng/sào, đó là chưa kể tiền phân, thuốc và công sức bỏ ra. Trong khi đó giá phân, thuốc ngày càng "leo thang". Một lít thuốc cỏ bữa nay đã có giá trên 250.000đồng/lít".

Xã Đức Phong có đến hơn 300ha bị ngập úng nặng. Cứ mỗi một vụ mùa người dân phải gieo sạ lại đến ba, bốn lần (ít nhất là hai lần). Như vậy ít nhất người dân thiệt hại khoảng 240.000đ/sào trong mỗi vụ mùa, vì phải gieo sạ lại. Ngay như Chủ tịch UBND xã Đức Phong Nguyễn Đình Long làm 2 sào lúa, nhưng phải sạ lại đến lần thứ 4. Ông Long chia sẻ: "Thế mà vẫn chưa ổn, vì chăm cho đến khi lúa chín, chỉ mưa nhẹ thôi là cánh đồng dọc sông Thoa trở thành "túi nước". Lúc này tiền của tiêu tốn gấp nhiều lần so với tiền của, công cán ở thời điểm gieo sạ".
 
Ruộng lúa ở vùng trũng sông Thoa luôn đối mặt với tình trạng ngập úng. Trong ảnh: Bộ đội giúp nông dân xã Đức Phong vớt lúa.
Ruộng lúa ở vùng trũng sông Thoa luôn đối mặt với tình trạng ngập úng. Trong ảnh: Bộ đội giúp nông dân xã Đức Phong vớt lúa.
Dọc tuyến sông Thoa có đến hơn 6.000 ha lúa bị thiệt hại thường niên, bởi tình trạng ngập úng. Suốt hơn 20 năm qua tính ra tiền của người dân "đổ" xuống hơn 6.000ha thì thiệt hại nhiều không kể xiết. Chị Nguyễn Thị Trang (50 tuổi, ở thôn 2, xã Đức Chánh) than thở: "Mấy năm trước tuy thất bát, nhưng cũng còn chút ít mang về nhà. Còn cả năm nay nhà nông chúng tôi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vậy mà không lấy một hạt lúa mang về nhà. Ngập úng tiêu tan hết, nhà nông phải vay mượn tiền mua gạo ăn qua ngày".

Nhiều người không thể tiếp tục sống cảnh thiếu ăn do mùa màng thất bát, nên đành bỏ ruộng hoang, ly hương kiếm sống. Dọc miền sông Thoa có rất nhiều diện tích bỏ hoang, cây cỏ bao phủ. Xã Đức Phong có đến 10ha ruộng bỏ hoang, Đức Chánh (2ha)… Về các địa phương ở vùng trũng sông Thoa chỉ còn phần lớn người già "bám" ruộng, còn lớp trẻ thì ly hương. Bởi thế vào vụ thu hoạch, nhất là vào mùa mưa lũ, người dân khóc ròng vì chẳng thuê được người gặt lúa. Đúng như lời nói của bà Lê Thị Hồng (ở xã Đức Phong). Chừng nào sông Thoa được nạo vét, khơi thông dòng chảy thì hàng nghìn hộ dân trồng lúa dọc sông Thoa mới vơi đi nỗi khổ.
  
*Ông Nguyễn Lập-Phó Giám đốc C.ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi: "Hằng năm, công ty bỏ ra một khoản kinh phí để đắp một số đoạn sạt lở, còn về vấn đề nạo vét để khắc phục tình trạng bồi lấp ở lòng sông Thoa thì đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nên chưa thực hiện được, phải chờ sự trợ giúp của Trung ương. Trong năm 2011 tỉnh trích kinh phí từ ngân sách để khắc phục  ở những điểm như đoạn lòng sông bị hẹp, uốn khúc ở xã Phổ Văn, xây dựng đập Bến Thóc ở xã Đức Hiệp để ngăn nước lũ từ sông Vệ chảy vào, hạn chế phần nào tình trạng ngập úng".

*Ông Nguyễn Khánh-Phó Chủ tịch UBND xã Đức Chánh (Mộ Đức): "Đã có nhiều cuộc họp, nhiều cuộc khảo sát, nhiều kiến nghị nhưng mấy chục năm nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng sông Thoa bị bồi lấp, gây ngập úng nặng. Toàn xã Đức Chánh có hơn 350 hộ dân hàng năm bị thiệt hại tiền của, công sức vì ruộng lúa bị ngập. Người dân phải gánh chịu. Việc nạo vét khơi thông dòng chảy nằm ngoài khả năng của chính quyền địa phương. Vụ đông xuân này bà con bắt đầu gieo sạ từ hồi tháng 1, vậy mà mãi đến tháng 3 vẫn còn gieo sạ. Có phải mùa mưa lũ đâu, vậy mà ruộng đồng cứ ngập nước triền miên".

*Ông Nguyễn Sương-Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thạch Trụ (xã Đức Lân, huyện Mộ Đức): "Sông Thoa đoạn ở phía tây Trạm bơm Gò Mèn giáp HTX NN Thạch Trụ và Phổ An 1, có rất nhiều cồn cát, cồn mai dương chắn dòng chảy. Lòng sông tiêu cao hơn lòng bờ ruộng. Đúng là có ảnh hưởng bởi dòng nước từ công trình thủy lợi Thạch Nham đổ xuống vùng trũng, nhưng chỉ là thứ yếu. Nguyên nhân chính gây nên tình trạng ngập úng mấy chục năm qua là do lòng sông bị bồi lấp nghiêm trọng. Mỗi năm HTX tốn gần 180 triệu đồng, để bơm nước tiêu úng cứu lúa. Còn đối với nông dân thì dường như năm nào cũng bị thiệt hại vì tình trạng ngập úng".

*Bà Lê Thị Nguyệt (ở thôn 2, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức): "Làm lúa ở vùng đất trũng này nổi tiếng là khổ ải mà. Lúc thì chịu úng, khi thì chịu hạn. Mang tiếng là làm nông vậy mà từ năm ngoái đến giờ nông dân chúng tôi có làm ra được hạt lúa nào đâu - ngập úng tiêu tan hết. Lúa chín, cái ăn sắp đến miệng vẫn bị "lấy" mất. Trông cho sông Thoa sớm được khơi thông, chừng đó chắc bà con ai cũng ăn mừng".
 
PHƯƠNG LÝ

.