Làm thế nào để tiêu úng, thoát lũ vùng hạ lưu sông Thoa?

02:04, 06/04/2012
.

(QNg)- Từ nhiều năm nay, vấn đề tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa luôn được đặt ra. Và nó ngày càng cấp bách vì  đã làm cho sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại rất lớn và nhân dân trong vùng phải chịu khổ triền miên với lũ và ngập úng trong nhiều thập kỷ qua. Vì thế Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa bắt đầu khởi động là niềm vui lớn của nhân dân trong vùng dự án.

QUY  MÔ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA DỰ ÁN

Dự án Tiêu úng thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa có địa điểm xây dựng từ đập Bến Thóc đến đập An Quang, đi qua 17 xã của 3 huyện là Nghĩa Hành (1 xã), Mộ Đức (9 xã) và Đức Phổ (7 xã).

Dự án thực hiện nhiệm vụ tiêu úng, thoát lũ, phòng chống lũ sớm, lũ muộn và lũ tiểu mãn để bảo đảm sản xuất nông nghiệp cho gần 6.000 ha. Ngoài ra, Dự án còn ngăn mặn, giữ ngọt cho trên 500 ha đất sản xuất nông nghiệp; chống sạt lở bờ sông; thích nghi và chung sống với lũ chính vụ; ổn định và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Minh Toản kiểm tra vùng hạ lưu sông Thoa.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Minh Toản kiểm tra vùng hạ lưu sông Thoa.


Để đạt được mục tiêu nêu trên, Dự án phải thực hiện khối lượng công việc: Nạo vét mở rộng mặt cắt trục tiêu chính dài khoảng 26 km; bề rộng đáy kênh tiêu sau nạo vét từ 10 - 50 mét. Nén dòng cục bộ hai đoạn "ruột gà" của trục tiêu chính dài 1,5 km. Công trình xây dựng trên kênh tiêu gồm: Đập An Quang, đập Bến Thóc, đập Cầu Đập, đập Phước Khánh; 56 cống tiêu, 10 cầu giao thông nông thôn H5 và 14 trạm kênh tiêu cục bộ thời vụ với tổng mức đầu tư là 338 tỷ đồng bằng nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và địa phương (trong đó vốn Trung ương 270,4 tỉ và ngân sách địa phương 67,6 tỉ đồng). Dự án được chia làm 28 gói thầu (gồm 06 gói thầu tư vấn; 02 gói thầu mua sắm hàng hoá, thiết bị; 19 gói thầu xây lắp và 01 gói thầu rà phá bom, mìn, vật nổ).

Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 31/3/2009. Quyết định nêu rõ, thời gian xây dựng công trình là 4 năm, thời điểm khởi công công trình khi hội đủ điều kiện và có kế hoạch vốn đầu tư.
Ngày 25/5/2009, tại Hội nghị giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo điều phối, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận và chỉ đạo như sau:  Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp bổ sung Dự án tiêu úng và thoát lũ sông Thoa - tỉnh Quảng Ngãi vào danh mục đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ. Tỉnh Quảng Ngãi chủ động làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp bổ sung Dự án Tiêu úng và thoát lũ sông Thoa vào danh mục đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngày 6/7/2010, Bộ Tài chính đã có công văn nêu rõ: Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa vào danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015.

Năm 2012, Trung ương đã chính thức đầu tư cho Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa 100 tỷ đồng. Đây là  động lực lớn để  Dự án vào cuộc, tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện để kịp hoàn thành trong năm 2015.


Tại phiên họp HĐND tỉnh vào cuối năm 2011 cũng đã xác định rõ: Công trình Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa là một trong 5 công trình trọng điểm của tỉnh trong năm 2012.

Trong chuyến đi kiểm tra thực tế vùng hạ lưu sông Thoa vào tháng 10/2011, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Minh Toản nhấn mạnh: Cần phải xác định rõ đây là công trình cấp bách thoát lũ, có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống nhân dân nên ưu tiên vốn đầu tư cho công trình này. Các sở, ngành hữu quan coi đây là việc chính phải quan tâm thường xuyên. Các địa phương trong vùng dự án như Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành cần phải tích cực phối hợp cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm thời gian thi công. Trong quá trình xây dựng cần kết hợp với các tiêu chí về nội dung xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn để cho công trình phát huy được lợi ích truớc mắt và lâu dài về  nhiều mặt trong thực tiễn cuộc sống.

KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU VÀ NHỮNG VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ

Đến cuối quý I/2012, ngoài việc tiến hành lựa chọn các nhà thầu, công tác giải phóng mặt bằng đã được tập trung triển khai thực hiện. Trong đó có gói thầu số 6 (Đập điều tiết Bến Thóc) và gói thầu số 7 (Nắn dòng, lên đê và xây dựng công trình trên kênh đoạn "ruột gà") đã trình phương án đền bù chi tiết cho UBND các huyện Nghĩa Hành và Mộ Đức xem xét, thẩm định, phê duyệt; 08 gói thầu đã hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chính và kiểm kê, áp giá, lập phương án bồi thường và 09 gói thầu khác đang triển khai công tác đo vẽ bản đồ địa chính và kiểm kê, áp giá, lập phương án bồi thường. Riêng gói thầu Đập điều tiết Bến Thóc đã tổ chức thi công hoàn thành kênh dẫn dòng và đê quay hai đầu sông  với khối lượng đào đắp hơn 3.400m3 và 20 tấn sắt thép xây dựng.

Ban quản lý Dự án cho biết: Để Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa đồng bộ vào cuộc, thì hiện nay đang nổi lên hai vấn đề vướng mắc lớn đó là, công tác rà phá bom, mìn, vật nổ và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Đối với công tác rà, phá bom, mìn, vật nổ, chủ đầu tư đã giải trình cụ thể với UBND tỉnh về sự cần thiết và cơ sở pháp lý để xác định tính toán chi phí, đang chờ UBND tỉnh xem xét phê duyệt.

Về công tác giải phóng mặt bằng, theo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ: Trong thời gian qua, việc thực hiện Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa  còn chậm. Mặc dù, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã được phê duyệt trong tháng 10/2011 và đã tổ chức đấu thầu thi công công trình nhưng đến nay (15/3/2012) chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành các thủ tục có liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi giao đất, tổ chức thi công công trình... Yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Về cách thức giải quyết vướng mắc, Phó Chủ tịch Lê Viết Chữ  đồng ý cho chủ dự án lập tờ trình, UBND các huyện thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo từng gói thầu.

UBND các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành cần khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư thông báo thu hồi đất cho các hộ dân trong vùng dự án có đất bị thu hồi; chỉ đạo UBND các xã vùng dự án tập trung xác định nguồn gốc đất; xác định diện tích đất của hộ gia đình và diện tích đất do UBND xã quản lý làm cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện của Dự án; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh giải quyết các tồn tại vướng mắc của Dự án nhằm đồng bộ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án.
 

*Ông Phạm Thanh Tùng - Chủ tịch UBND huyện  Mộ Đức:  Mong tiến độ thực hiện Dự án càng nhanh càng tốt...
Từ trước đến nay, nhân dân huyện Mộ Đức đã chịu khổ quá nhiều về tình trạng úng ngập vùng hạ lưu sông Thoa. Trong khoảng thời gian dài, tuy có duy tu, nạo vét sửa chữa một số công trình trong vùng nhưng do nguồn vốn hạn chế nên chưa khắc phục được. Hệ thống sông Thoa, sông Tiêu bị bồi lấp. Vụ đông xuân nước ngập đến tháng giêng, tháng 2 mới rút. Vụ hè thu mưa khoảng 300mm là đã bị ngập trên 1.000 ha. Nhiều vụ nông dân phải sạ đi sạ lại 2 - 3 lần. Có vụ lúa đang rất tốt nhưng do ngập úng làm trên 500 ha bị mất trắng. Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa đã được phê duyệt, vốn đã được bố trí, chúng tôi chỉ mong sao Dự án được khẩn trương thực hiện, càng nhanh càng tốt để nhân dân Mộ Đức và các huyện trong vùng dự án thoát khỏi vấn nạn này và có điều kiện phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Khi triển khai thực hiện Dự án, tại địa bàn huyện Mộ Đức cần thực hiện một số hạng mục cấp bách. Đề nghị tỉnh nên tập trung chỉ đạo thông cửa Mỹ Á và đoạn "ruột gà" thuộc 2 xã Phổ An- Phổ Quang thì mới hạn chế được úng ngập tại huyện Mộ Đức.

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong vùng Dự án, đối với một số gói thầu cần phải theo kế hoạch, thông báo sớm cho nhân dân và địa phương biết để cùng thực hiện thì sẽ ít gặp trở ngại và đạt được kết quả tốt hơn.

*Ông Nguyễn Nhung - Giám đốc Công ty TNHH MTV  Khai thác Công trình thuỷ lợi Quảng Ngãi - Đơn vị Chủ đầu tư: Nhiều hạng mục quan trọng của Dự án sẽ khởi công trong năm nay...
Dự án Tiêu úng, thoát lũ, chống sạt lở vùng hạ lưu sông Thoa đã được Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm. Để Dự án được thực hiện đồng bộ, bảo đảm thời gian, chất lượng, hiệu quả, là đơn vị chủ đầu tư, Đảng bộ Công ty đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, triển khai thực hiện Dự án. Trong đó có nêu rõ quan điểm chỉ đạo, mục đích yêu cầu và nội dung, nhiệm vụ cụ thể.

Công ty cũng đã ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động của Ban quản lý Dự án sông Thoa (BQL DA) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong BQL DA. Trong quy chế này có quy định rõ về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức, hoạt động và phạm vi quản lý của BQL DA. BQL DA sông Thoa có nhiệm vụ lập kế hoạch và quá trình thực hiện Dự án; thực hiện các hoạt động đấu thầu và quản lý hợp đồng; quản lý tài chính, tài sản và giải ngân; theo dõi, kiểm tra, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện và nghiệm thu, bàn giao, quyết toán của Dự án. Như vậy, về mặt quản lý và tổ chức thực hiện Dự án đã được Công ty chuẩn bị kỹ để sẵn sàng cùng với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị hữu quan vào cuộc, thu được kết quả tốt.

 Hiện nay, BQL DA đang phối hợp cùng với huyện và các địa phương trong vùng Dự án đẩy nhanh tiến độ bồi thường và giải phóng mặt bằng theo từng gói thầu. Khi có mặt bằng thi công, trong năm 2012, Dự án tập trung vào thực hiện các gói thầu trọng điểm. Đó là thi công hoàn thành Đập điều tiết Bến Thóc; nắn dòng điều chỉnh xong đoạn "ruột gà" thuộc 2 xã Phổ An - Phổ Quang dài 3 km (đây là  đoạn khó khăn nhất); hoàn chỉnh đập ngăn mặn giữ ngọt An Quang; hoàn chỉnh đập điều tiết Cầu Đập (xã Đức Thạnh); thực hiện nạo vét, lên đê chống úng ngập từ cầu Vân Hà-An Quang khoảng 10 km. Thời gian thực hiện mỗi gói thầu nói trên từ 01 năm trở lên. Khi các gói thầu này hoàn thành sẽ giải quyết được phần lớn vấn đề úng ngập ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ.

 

Nguyễn Khâm


.