(QNĐT)- Chỉ tính trong mấy tháng gần đây, trên địa bàn Quảng Ngãi đã có hơn chục vụ cháy rừng xảy ra, thiêu rụi hàng chục he1cta rừng trồng của người dân, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói phần lớn những vụ cháy rừng đều xuất phát từ nguyên nhân bất cẩn của người dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Ngãi thì hiện nắng nóng, khô hanh vẫn đang diễn ra gay gắt, các cánh rừng trong tỉnh đang trong tình trạng báo động cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Cháy rừng do bất cẩn
Vụ cháy rừng mới nhất xảy ra là vào khoảng 10 giờ ngày 10/8, tại khu vực rừng thuộc đội 10 và đội 11 xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh. Vụ cháy đã thiêu rụi gần 4 ha keo, bạch đàn của người dân nơi đây.
Theo một số người dân cho biết, thì nguyên nhân vụ cháy có thể do người dân đốt thực bì, sau đó bất cẩn để lửa cháy lớn và lây lan. Ngay sau khi phát hiện cháy rừng, UBND xã Tịnh Ấn Đông đã huy động lực lượng cán bộ kiểm lâm, đội PCCC rừng của xã cùng với chủ rừng và người dân địa phương gần 60 người tham gia chữa cháy. Tuy nhiên, phải sau gần 2 giờ đồng hồ, ngọn lửa mới được khống chế. Hậu quả là gần 4 ha rừng bạch đàn bị thiêu rụi.
Vụ cháy rừng thứ hai, được đánh giá là nghiêm trọng là vụ cháy rừng xảy ra vào chiều tối 7/8 tại khu vực hố Võng, thuộc tiểu khu 136, xã Nghĩa Thuận, huyện Tư Nghĩa, giáp ranh với khư vực rừng trồng của người dân ở các xã Nghĩa Thọ, huyện Tư Nghĩa và rừng xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành.. Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi 12 ha rừng trồng của người dân.
Một vụ cháy rừng tại huyện Sơn Tịnh. |
Theo Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi thì nguyên vụ cháy do người dân dọn rừng trồng, tuy nhiên do bất cẩn nên để lửa cháy lan qua khu vực rừng trồng sản xuất của một số người dân khác. Nhận được tin báo, trên 350 người gồm lực lượng kiểm lâm, tỉnh đội, huyện đội Tư Nghĩa và Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an Quảng Ngãi đã được huy động để có mặt tại hiện trường tham gia chữa cháy.
Tuy nhiên, do địa hình đồi núi hiểm trở, vụ cháy lại xảy ra ban đêm, xe chữa cháy của lực lượng PCCC công an tỉnh không thể tiếp cận. Chính vì vậy, lực lượng chức năng phải dùng tới biện pháp dập lửa truyền thống bằng cành cây, bàn cào, bàn đập và một số thiết bị chữa cháy chuyên dùng của lực lượng kiểm lâm.
Và phải sau hơn 8 tiếng đồng hồ "chiến đấu với giặc lửa", lực lượng tham gia chữa cháy khống chế hoàn toàn được ngọn lửa. Rất may ngọn lửa đã không lây lan sang các khu rừng khác. Diện tích bị cháy được xác định là khoảng 12 ha, trong đó thực bì sau khi khai thác khoảng 10 ha, còn lại khoảng 2 ha rừng keo trồng 4 năm tuổi.
Một vụ cháy rừng nữa cũng diễn ra trong đầu tháng 8 này là vụ cháy rừng xảy ra trưa ngày 6/8, tại khu vực rừng Núi Một – Đá Giăng thuộc thôn An Sơn, xã Phổ Nhơn. Vụ cháy đã thiêu trụi hơn 10ha keo, bạch đàn và 3ha mía gốc của người dân địa phương.
Vụ cháy nặng nhất xảy ra ngày 7/7 tại xã Phổ Phong làm thiêu rụi khoảng 20 ha rừng trồng của người dân. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn là do bất cẩn của người dân trong việc đốt thực bì. Trước đó, ngày 26/6 cũng tại Đức Phổ, đã xảy ra vụ hỏa hoạn thiêu trụi 3ha rừng keo lai và bạch đàn của người dân nơi đây.
Theo thống kê thì trong hàng loạt vụ cháy rừng xảy ra trong vài tháng gần đây trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì huyện Đức Phổ là địa phương xảy ra cháy nhiều nhất với 4 vụ cháy.
Nâng cao ý thức người dân trong công tác PCCC rừng
Theo đánh giá của Chi cục kiểm lâm cũng như các địa phương thì những năm gần đây, tình trạng cháy rừng đã diễn ra khá phổ biến, tập trung chủ yếu ở những cánh rừng sản xuất của người dân. Phần lớn những vụ cháy rừng xảy ra trong thời gian qua mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức phòng cháy chữa cháy của người dân còn yếu kém. Không lường hết được những hậu quả của cháy rừng gây ra.
Mới đây, tại cuộc họp đánh giá công tác phòng cháy chữa cháy những tháng đầu năm 2012, ông Nguyễn Đại, Chi cục kiểm lâm Quảng Ngãi thừa nhận rằng, chưa bao giờ cháy rừng lại diễn ra nhiều như những tháng gần đây. Mặc dù phần lớn những vụ cháy rừng là diện tích rừng trồng của người dân, tuy nhiên với thời tiết khô hanh như hiện nay, thì khả năng lây lan ra diện rộng là rất lớn, nếu không cứu chữa kịp thời.
Thời tiết nắng, khô hanh gây nguy cơ cháy rừng rất cao. (Trong ảnh: Rừng trồng xen với rừng tự nhiên tại huyện Tây Trà) |
Ông Nguyễn Đại cũng nêu lên một trong những khó khăn trong công tác chữa cháy rừng, đó là phần lớn rừng trồng đều tập trung ở những vùng núi, và thậm chí nhiều nơi khá hẻo lánh. Vì vậy khi xảy ra cháy thì phương tiện chữa cháy đành bất lực, vì vậy giải pháp chữa cháy hữu hiệu là dùng các phương tiện thô sơ như cành cây, bàn cào, bàn đập và kết hợp với phương tiện chữa cháy cầm tay của lực lượng chữa cháy, làm băng cản lửa...
Qua điều tra của lực lượng kiểm lâm, thì thực tế những vụ cháy rừng thời gian qua trên địa bàn Quảng Ngãi là rất nhiều, tuy nhiên là những vụ cháy quy mô nhỏ, khi xảy ra cháy, người dân đã chủ động dập được lửa, nên không báo cho cơ quan chức năng. Những vụ cháy khác người dân tự dập không được, đến khi lửa bùng phát mạnh và cháy lây lan thì lúc đó mới cầu cứu cơ quan chức năng.
Vì vậy, nhiều vụ khi lực lượng chức năng có mặt thì lửa đã lan rộng, việc chữa cháy hết sức khó khăn, tốn kém. Đáng báo động là có những vụ cháy rừng, người dân đã tự ý dập lửa và hậu quả không những cháy lây lan mà cháy luôn người tham gia dập lửa, dẫn đến tử vong tại chỗ, như trường hợp tử vong ở Ba Tơ và huyện Bình Sơn.
Tại cuộc họp về công tác PCCC mới đây, đồng chí Lê Viết Chữ-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, công tác PCCC nói chung, trong đó có PCCC rừng là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trong mùa nắng nóng như hiện nay. Chính vì vậy, các địa phương ngoài việc triển khai các biện pháp PCCC như thực hiện tốt phương châm là "4 tại chỗ", tổ chức diễn tập PCCC nhằm nâng cao kỹ năng PCCC, thì các địa phương cũng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền ý thức PCCC cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cũng cần phải xử lý nghiêm đối tượng vi phạm để xảy ra cháy, nổ.
M.Toàn