Trợ giúp pháp lý cho người dân

08:07, 23/07/2012
.

(QNg)- Hoạt động trợ giúp pháp lý có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, người nghèo. Qua đó giúp nhân dân nâng cao nhận thức, chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương…

TIN LIÊN QUAN


5 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) tỉnh, thuộc Sở Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý 5.561 vụ việc cho 5.826 người. Trong đó có 480 vụ việc đại diện, bào chữa; 5.081 vụ việc tư vấn pháp luật. Với phương châm "luôn luôn đi cùng dân", Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL tăng cường hoạt động TGPL lưu động. Trung bình mỗi năm Trung tâm tổ chức 60 - 70 đợt TGPL lưu động ở 100% xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã có nhiều vướng mắc về tranh chấp, khiếu nại đất đai. Qua hoạt động này đã giúp cho người nghèo, gia đình chính sách, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo được tiếp cận với pháp luật một cách thuận lợi nhất.

 

Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo huyện Tây Trà.
Bà Trần Thị Cẩm Tú - Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo huyện Tây Trà.


Kết hợp với TGPL lưu động, Trung tâm đã trực tiếp phổ biến những nội dung cơ bản của các văn bản pháp luật như: Pháp luật về TGPL, pháp luật về đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; các chính sách pháp luật hỗ trợ cho người nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số và các văn bản pháp luật khác phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Từ đó, những vướng mắc pháp luật của các đối tượng được tư vấn ngay tại cơ sở; nhận thức hiểu biết về pháp luật của đồng bào từng bước được  nâng lên; bà con đã tự tin giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại cộng đồng dân cư, hiệu quả công tác hòa giải cơ sở được nâng cao, hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Nhằm giúp người dân dễ tiếp cận pháp luật, Trung tâm TGPL tỉnh đã quan tâm chú trọng triển khai công tác thông tin, truyền thông rộng khắp với nhiều hình thức đến nhân dân. Đến nay, Trung tâm đã đặt 250 bảng thông tin về TGPL tại trụ sở UBND, Trạm y tế xã, nhà văn hóa các thôn, các cơ quan tiến hành tố tụng, nhà tạm giữ, trại tạm giam; in ấn, phát hành trên 30.000 tờ gấp pháp luật với nội dung thông tin các quy định về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, quy định của pháp luật về đất đai, giao thông…

Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của pháp luật trong quản lý xã hội, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt tăng cường sự đoàn kết, giữ vững tình làng, nghĩa xóm, phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa tốt đẹp trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Sở Tư pháp đã chỉ đạo Trung tâm TGPL phối hợp với các cơ quan có liên quan cấp huyện hướng dẫn UBND xã tiến hành thành lập 153 câu lạc bộ (CLB) pháp luật. Trong đó 65 CLB ở xã nghèo, 43 CLB ở các xã đặc biệt khó khăn.

Để các CLB tổ chức sinh hoạt theo đúng quy định, mang lại hiệu quả, Trung tâm đã về địa phương hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, cách thức tổ chức, các nội dung sinh hoạt. Hoạt động của các CLB này ngày càng thường xuyên hơn, nội dung sinh hoạt phong phú, phù hợp với nhu cầu của nhân dân địa phương. Ngoài ra, Trung tâm TGPL tỉnh còn tập trung TGPL trong hoạt động tố tụng, tăng cường phối hợp giữa trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư với các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán Tòa án chặt chẽ hơn. Vì thế, chất lượng vụ việc TGPL trong hoạt động tố tụng được bảo đảm, hiệu quả ngày càng cao.


Bài, ảnh:  CẨM NHỊ
 


.