Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh: Nỗ lực đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào miền núi

01:12, 19/12/2010
.

(QNg)- Phát huy kết quả đạt được, năm 2010 công tác trợ giúp pháp lý lưu động cho người nghèo, đồng bào dân độc thiểu số các huyện miền núi của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả. Đây chính là động lực thúc đẩy người dân miền núi nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, từng bước tham gia quản lý Nhà nước, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo.

Năm 2010, trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh (Sở Tư pháp) đã tổ chức hàng chục đợt tuyên truyền lưu động các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu,  vùng xa trong tỉnh. Trong những chuyến thực tế  ấy, cán bộ tuyên truyền pháp luật của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh hiểu hơn về sự thiếu thốn trăm bề của người dân, trong đó có vấn đề thiếu kiến thức pháp luật. Và mỗi lần có đoàn trợ giúp pháp lý về, đồng bào dân tộc thiểu số đã vượt đường xa để tham dự.
 
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Sơn Hạ (Sơn Hà) chăm chú theo dõi, tham gia ý kiến tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức.
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Sơn Hạ (Sơn Hà) chăm chú theo dõi, tham gia ý kiến tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động do Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức.

Các cụ ông, cụ bà là những người đến sớm nhất. Nội dung buổi nói chuyện pháp luật đã được các cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý biên soạn kỹ. Mỗi khi nói chuyện với người dân nghèo miền núi, nội dung tuyên truyền lại phải điều chỉnh đôi chút để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ thực hiện. Thông thường, mỗi buổi nói chuyện pháp luật đều có "thông dịch viên" là cán bộ tư pháp nhưng cũng là người địa phương thông thạo tiếng đồng bào dân tộc thiểu số. Cán bộ tuyên truyền đến đâu, "phiên dịch" sẽ dịch ra tiếng đồng bào đến đó. Hiểu được nội dung tuyên truyền, nên ai cũng lắng nghe chăm chú.

Trong đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại huyện Trà Bồng, chị Hồ Thị Én (ở thôn Hai, xã Trà Thủy) đã thốt lên: "Mình hiểu rồi. Cán bộ bảo là con gái làng mình đủ 18 tuổi mới được lấy chồng. Con trai thì phải đến 20 tuổi. Mình nhất định sẽ nói với các con mình phải đủ cái tuổi này mới cho lấy chồng, lấy vợ". Ngoài những quy định của điều luật, các cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý còn xây dựng "những câu chuyện pháp luật" cụ thể kèm theo minh họa, để bà con hiểu được các quy định, nâng cao ý thức chấp hành. Cán bộ còn nói cả những chuyện bà con không được làm vì pháp luật cấm; những vi phạm pháp luật có thể phải chịu trách nhiệm hình sự; một số tình huống cụ thể và cách ứng xử đúng đắn, để bà con hiểu mà làm theo.

Trong những câu chuyện pháp luật chuyển tải đến đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi, bà con thường chú ý lắng nghe đến các vấn đề hôn nhân gia đình, xóa bỏ hủ tục cưới hỏi lạc hậu; tảo hôn, cầm đồ thuốc độc; Luật Bình đẳng giới. Bởi lâu nay đồng bào thường quan niệm: Của cải làm ra đều của chồng; người chồng là chủ nên mọi việc người vợ phải gánh vác hết. Khi nghe được cán bộ tuyên truyền, giải thích những quy định của pháp luật về quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, những người phụ nữ Hrê, Ca Dong, Cor rất vui trong lòng. Chị Đinh Thị Ai, ở thôn Gò Da, xã Sơn Kỳ  (Sơn Hà), nói: "Mình sẽ nói với chồng, để chồng hiểu, giúp mình lên rẫy trồng mì nuôi con. Nếu chỉ có mình làm là không đúng".

Sự khó nhọc trong trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện miền núi rất nhiều, nhưng mỗi lần đi thực tế công tác, các cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý của tỉnh lại đầy ắp niềm vui. Sự thông cảm, gắn bó, sẻ chia với đồng bào dân tộc thiểu số nơi non cao, núi thẳm được nhen nhóm trong lòng mỗi cán bộ, tạo động lực để họ phấn đấu tìm tòi, sáng tạo trong tuyên truyền, giúp đồng bào hiểu nhanh, nhớ lâu quy định của pháp luật. Với những việc làm thiết thực, đầy trách nhiệm, những cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã góp phần đáng kể vào việc xóa dần khoảng cách "miền núi - đồng bằng" về kiến thức pháp luật.

THANH HUYỀN

.