(QNg)- Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác chăm sóc trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn. Trong đó, việc phát huy sức mạnh của cộng đồng đã và đang được thực hiện có hiệu quả.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhiều biện pháp thiết thực
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện nay tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh còn khá cao, với hơn 12.500 em (3,58% so với dân số trẻ em) thuộc đối tượng trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em lang thang, trẻ em nhiễm hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật, trẻ em bị nạn thương tích, trẻ em bỏ học… Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn gần 53.430 trẻ em sống trong các hộ gia đình khó khăn. Tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, bỏ học, trẻ có nguy cơ lang thang và rơi vào các tệ nạn xã hội vẫn diễn ra.
Nhà máy Sữa Việt Nam Vinasoy - đơn vị đồng hành với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua. Đại diện Nhà máy Sữa Việt Nam Vinasoy trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân ngày 1/6. |
Để chia sẻ những thiệt thòi, giúp các em cùng gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực và hiệu quả. Những tháng đầu năm 2012, các cấp, ngành, địa phương thuộc thành phố đã thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK; tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ em nhân các ngày lễ, Tết. Tỉnh ta còn chú trọng tạo điều kiện để gia đình các em có thể sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Bằng hình thức cho vay hỗ trợ sản xuất gia đình các em đã tiếp cận được nguồn vốn để sản xuất, phát triển kinh tế. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương quan tâm hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng những biện pháp khoa học kỹ thuật mới, hiệu quả vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều gia đình đã khắc phục khó khăn, vươn lên thoát nghèo.
Sức mạnh cộng đồng được phát huy
Xác định vai trò quan trọng của sức mạnh cộng đồng trong việc chung tay chăm lo đời sống cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, Quỹ Bảo trợ trẻ em thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã vận động nhiều đơn vị, cơ quan, công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật nhiều chương trình phẫu thuật: Tim bẩm sinh, ánh mắt tuổi thơ, phẫu thuật nụ cười… cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Bùi Đức Thọ - Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2012 đã có rất nhiều nhà hảo tâm, các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập như Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cấp học bổng cho 8 em trong tỉnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ bậc tiểu học đến bậc đại học và tài trợ cho các em đến khi tốt nghiệp đại học ra trường.
Hay như ông Brennon Jones cấp học bổng đợt 2 năm học 2011-2012 cho 7 học sinh người dân tộc Kor đang học tại Trường trung học Y tế Quảng Ngãi và 5 học sinh người dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng và Tây Trà, mỗi suất học bổng trị giá 4 triệu đồng với tổng kinh phí gần 50 triệu đồng; Công ty Bảo Việt Nhân thọ cấp học bổng cho 20 em nghèo hiếu học trong tỉnh, năm học 2011-2012 với tổng kinh phí 14 triệu đồng…
Ngoài ra, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh còn vận động được các tổ chức như Quỹ tài trợ VinaCapital, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh, Tổ chức Resurge International (Mỹ)… hỗ trợ kinh phí khám và phẫu thuật tim bẩm sinh cho 33 bệnh nhi; khám và phẫu thuật cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật bị sứt môi, hở hàm ếnh, sẹo bỏng… để các em có thể phát triển thể chất bình thường như các bạn đồng trang lứa khác. Hai Trung tâm Phục hồi chức năng Bình Hoà (Bình Sơn) và Hành Thiện (Nghĩa Hành) được Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tài trợ, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã duy trì hoạt động của Dự án "Hỗ trợ trẻ em khuyết tật, đặc biệt nạn nhân chất độc da cam" cho 160 em khuyết tật tại 13 xã khu Đông huyện Bình Sơn và 12 xã, thị trấn huyện Nghĩa Hành, với tổng kinh phí hoạt động trong năm 2012 là trên 400 triệu đồng. Dự án mang lại kết quả rất rõ nét, phần lớn trẻ em khuyết tật tiến bộ sau một thời gian tham gia phục hồi chức năng. Đặc biệt, đã có chuyển biến về cách đối xử của gia đình và cộng đồng đối với trẻ em khuyết tật nói riêng, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung.
Những hoạt động này cho thấy sự chung tay, góp sức của cộng đồng xã hội trong việc chăm lo đời sống cho các em có hoàn cảnh khó khăn rất có ý nghĩa và đáng trân trọng. Chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang tạo được sự thu hút mạnh mẽ trong toàn xã hội. Sự chia sẻ ấm áp, nhiệt tình của cộng đồng xã hội sẽ là cầu nối giúp các em vượt qua khó khăn, thiệt thòi để hòa nhập cuộc sống.
Bài, ảnh: Xuân Hiếu