(QNg)- Hiện nay tại Quảng Ngãi, nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động. Tình trạng nợ đọng, thậm chí giải thể, chủ sử dụng lao động bỏ trốn, không có khả năng thu hồi nợ BHXH, xảy ra ngày càng tăng, làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết các chế độ cho người lao động.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của BHXH tỉnh, tính đến ngày 30/3/2012, toàn tỉnh có trên 200 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 6 tháng trở lên với số tiền 14,550 tỷ đồng (trong đó 34 đơn vị có số nợ đọng từ 30 tháng đến dưới 60 tháng phải dừng thu). Đặc biệt, Công ty Cổ phần Đại Cát Tường đã giải thể, số tiền còn nợ 635,320 triệu đồng, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, không có khả năng trả nợ. Mặc dù ngành BHXH đã có công văn gửi các ngành chức năng để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Đối với doanh nghiệp do các địa phương quản lý, khai thác thu cũng chẳng khá gì hơn. Theo số liệu khảo sát tại các huyện, thành phố trong tỉnh, tình trạng nợ đọng, đơn vị cố tình tránh né, trốn nộp xảy ra ngày càng nhiều. Ở huyện Sơn Hà, tính đến tháng 3/2012, toàn huyện có 66 đơn vị đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 40 đơn vị còn hoạt động (trong đó chỉ có 13 đơn vị tham gia BHXH với 62 lao động). Thành phố Quảng Ngãi, hiện có 2.360 đơn vị đăng ký kinh doanh, số đơn vị tham gia BHXH cũng chỉ có 511 đơn vị; huyện Sơn Tịnh có 416 đơn vị đăng ký (trong đó 78 đơn vị tham gia, 28 đơn vị chính thức dừng hoạt động); huyện Tư Nghĩa có 241 đơn vị đăng ký, số đơn vị còn hoạt động là 84 (trong đó chỉ có 27 đơn vị tham gia BHXH, BHYT, BHTN…).
Trước thực tế trên, lãnh đạo BHXH tỉnh xác định, năm 2012 là năm nhiều khó khăn, thách thức, khả năng thực hiện thu đạt kế hoạch ngành cấp trên giao là rất thấp. Vì vậy ngay từ những tháng đầu năm, ngành đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo các đơn vị BHXH huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức thanh tra, kiểm tra ở các đơn vị sử dụng lao động. Mặt khác, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của huyện ủy, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là các đơn vị cố tình trốn đóng, tránh nộp, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật.
Từ động thái tích cực đó đã có 2 huyện Đức Phổ và Nghĩa Hành, UBND huyện đã có quyết định thanh tra, các huyện còn lại sẽ thanh tra, kiểm tra trong thời gian đến. Riêng đối với các ngành chức năng ở tỉnh, BHXH tỉnh đã chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tổ chức đợt kiểm tra tại 20 đơn vị sử dụng lao động. Qua kiểm tra bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Được biết, nguồn vốn, lãi vay của các tổ chức ngân hàng bước đầu cũng đã nới rộng. Vì vậy các doanh nghiệp cũng có điều kiện tiếp cận vốn vay thuận lợi trong quá trình sản xuất kinh doanh; tình trạng doanh nghiệp nợ lương người lao động không còn, giải quyết đầy đủ việc làm cho người lao động, đời sống của người làm công ăn lương của các đơn vị được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua các chỉ số kiểm tra: Tính đến ngày 30/3/2012 số dư nợ của 20 đơn vị là 2,718 tỷ đồng, qua kiểm tra và xử lý sau kiểm tra đến nay số dư nợ chỉ còn 843 triệu đồng. Việc giải quyết các chế độ ngắn hạn như ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, các doanh nghiệp cũng đảm bảo kịp thời cho người lao động.
Để có kế hoạch khai thác thu và thu hồi nợ đọng, trong thời gian tới, ngành BHXH tỉnh cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành theo tinh thần chương trình phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam. Theo đó, tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (tập trung ở các đơn vị có số nợ đọng lớn, thời gian nợ kéo dài), kịp thời điều chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quỹ BHXH. Phối hợp hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách BHTN, thực hiện tốt chính sách BHYT cho người có công, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng bảo trợ xã hội. Đồng thời cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành LĐ-TB&XH, Tài chính nhằm trích chuyển kịp thời nguồn kinh phí do ngân sách cấp để thực hiện đạt kế hoạch ngành cấp trên giao.
Quang Hùng