(Báo Quảng Ngãi)- Cách mạng Tháng Tám là bản hùng ca bất diệt, một mốc son chói lọi của cách mạng nước ta. Đó là một bước ngoặt chưa từng có trên con đường phát triển của dân tộc Việt Nam đã làm nên sự kiện “long trời lở đất” chính thức chấm dứt ách đô hộ hơn 80 năm của thực dân Pháp, mở ra kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Từ đây, nhân dân Việt Nam đã làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh quốc gia dân tộc.
[links()]
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: PV |
Trong vòng 15 năm ấy từ khi Đảng ta ra đời (3/2/1930), Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930 - 1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939 - 1945). Đây là ba cuộc tổng diễn tập lớn với nhiều thử thách, hy sinh để đến đỉnh cao là Cách mạng Tháng Tám đã chớp thời cơ thuận lợi, lãnh đạo toàn thể dân tộc tiến hành tổng khởi nghĩa, đánh đổ thực dân, phong kiến thành lập nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tạo thời cơ và nắm bắt thời cơ là một nghệ thuật tài tình của Đảng ta do Bác Hồ kính yêu đứng đầu. Tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Tổng bộ Việt Minh cũng đã hiệu triệu: Trước cơ hội có một không hai này, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, đem hết can đảm, bao quanh đạo quân giải phóng Việt Nam tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Cách mạng Tháng Tám đã thành công ngoạn mục. Nếu kể từ khi lệnh tổng khởi nghĩa phát ra ngày 13/8 cho đến khi khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn 25/8, thì thời gian đó chỉ 12 ngày. Mười hai ngày rung trời chuyển đất lan truyền như một dòng điện cao thế trào dâng khí thế cách mạng từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, nhất tề đứng lên với khí thế “Tức nước vỡ bờ”.
Đã 76 năm trôi qua nhưng trong lòng mỗi người con đất Việt vẫn còn nghe âm vang bản Anh hùng ca Cách mạng Tháng Tám qua những thước phim tài liệu, những ca khúc, hành khúc quân hành, những bài thơ với niềm cảm hứng vui bất tận. Ta vẫn còn nghe âm vang bài hát “Mười chín Tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/ Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/ 19/8 khi quân dân căm hờn kêu thét/ Tiến lên cùng hô: Mau dẹp tan hết quân thù chung”. Nhịp hành khúc như nhịp bước rộn ràng phơi phới của từng đoàn người khắp các phố phường đổ về Nhà hát lớn Hà Nội vào sáng 19/8.
Những lời ca giản dị thuyết phục có sức truyền cảm cộng hưởng lớn lao đó không chỉ là nhịp bước chân, mà còn là lời hiệu triệu, là nhịp đập của muôn con tim cùng hòa âm náo nức, giục giã. Đặc biệt, bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao được chọn làm Quốc ca cũng là một hành khúc được hát vang trong cuộc biểu tình ở Nhà hát lớn Hà Nội với: “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc, bước chân rộn vang”. Có lẽ từ đây hai tiếng Việt Nam thân yêu đã trở thành niềm tin bất diệt với bao trìu mến thiết tha, với bao niềm tin tự hào chan chứa trong lòng mỗi người dân. Trong Cách mạng Tháng Tám có một hình tượng biểu trưng cho hồn núi sông non nước, cho sự đoàn kết toàn dân đó là lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh với sắc màu ánh sáng cách mạng. Lá cờ khổng lồ đó xuất hiện tung bay trong cuộc biểu tình rầm rộ đông đảo quân chúng ở Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8. Biểu trưng Quốc kỳ đó đã khẳng định chủ quyền của đất nước, độc lập tự do trong cảm xúc tự hào: “Gió ơi gió! Hãy làm giông làm tố/ Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi/ Vàng vàng bay, đẹp quá sao sao ơi!” trong cảm hứng ngất ngây vui bất tận không kìm nén được của nhà thơ Tố Hữu.
Trong những ngày mùa thu tháng Tám này lòng chúng ta lại bồi hồi nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Vị lãnh tụ đã từng là thủy thủ năm nào ra đi tìm đường cứu nước nay vững lái con thuyền cách mạng vượt qua bao ghềnh thác, bao bước ngoặt khó khăn thử thách để tới bến vinh quang. Ngay từ tháng 5/1941, tại Pác Bó, Người đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng Cộng sản Đông Dương đi đến quyết định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Việc thành lập Việt Minh do Bác đề xướng là một sáng tạo đặc sắc thể hiện rõ nét tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Người, qua đó tập trung được các lực lượng cách mạng không phân biệt: Thợ thuyền, dân cày, phú nông, địa chủ, tư bản bản xứ... góp phần quyết định vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám. Những dấu ấn, dấu mốc thời gian hoạt động của Bác Hồ từng bước khẳng định tầm nhìn chiến lược thiên tài của Bác.
Tháng Tám, mùa thu cách mạng - mùa thu đẹp nhất của đất nước ta khi những hàng cây xanh trên tuyến phố Hà Nội đã ngả sang màu lá vàng tươi dưới nắng vàng sóng sánh mật ong. Các sắc màu quyến rũ của mùa thu thiên nhiên hòa với những ngân vang, những xao xuyến những bồi hồi trong tâm hồn con người khi nhớ về những ngày tháng lịch sử không bao giờ quên. Mùa thu nay Hà Nội và cả nước đang chống chọi với dịch Covid-19, với phương châm giãn cách, cách ly toàn xã hội để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của nhân dân. Các con đường vắng vẻ hơn. Các địa danh lịch sử ít người đến hơn. Nhưng trong lòng ai cũng hướng về Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, hướng về những địa danh lịch sử đáng ghi nhớ với lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng. Và đặc biệt hào khí Cách mạng Tháng Tám là một động lực lớn lao, một sức mạnh tiềm tàng để toàn dân tộc ta bước vào cuộc chiến: “Chống dịch như chống giặc”. Như ngày nào làn sóng cách mạng băng băng thác lũ cuốn phăng đi mọi rào cản chướng ngại vật của chế độ thực dân, phong kiến thì bây giờ bằng sự hy sinh không quản thân mình của các lực lượng tuyến đầu chống dịch; bằng cách hoạt động tự nguyện, thiện nguyện “Thương người như thể thương thân” vốn là truyền thống nghìn đời của dân tộc.
Thành phố Hà Nội hôm nay. Ảnh: T. L |
Vẫn còn nguyên vẹn màu xanh trong bầu trời tự do tinh khiết thanh sạch cao vọng mà ngày nào nhà thơ Tố Hữu đã từng ngợi ca say đắm: “Mây của ta trời thẳm của ta Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” và nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sắc xanh ấy chính là sắc xanh lòng người chứa chan bao hy vọng, sắc xanh của thiên nhiên đem lại sự trường tồn sự sống vượt lên dịch bệnh, chiến thắng dịch bệnh cho cuộc sống luôn mãi mãi hồi sinh và phát triển...
Tùy bút: HÀ HUY