(Báo Quảng Ngãi)- Đường về chiến khu Đồng Lớn, thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn) hiện vẫn rất khó đi. Ở nơi bốn bề núi rừng hẻo lánh, không ít lần chính quyền địa phương động viên đi nơi khác định cư, nhưng người dân ở Đồng Lớn một mực nói: "Nhớ làng không đi được, sống chết cũng chỉ ở Đồng Lớn".
Địa chỉ đỏ...
Giờ đây, hiếm có nơi nào đánh kẻng để họp dân, nhưng ở Đồng Lớn lại là thói quen. Mỗi lần trưởng xóm đánh kẻng, người dân gác lại việc nhà để lo việc làng. Đồng Lớn hiện có 34 nóc nhà, các hộ dân sống quây quần trong thung lũng được bao bọc bởi rừng núi xanh thẳm. Ngót chục năm chúng tôi mới có dịp trở lại Đồng Lớn. Từ Quốc lộ 24C đến Đồng Lớn khoảng 1,7km, lần trước chúng tôi cuốc bộ hơn một tiếng đồng hồ mới đến nơi. "Bây giờ, chạy xe máy, đường như vậy ngon lắm rồi đó", người dân ở Đồng Lớn bảo thế, nhưng đi xe máy cũng cứ ngỡ như ngồi trên lưng ngựa. Ở Đồng Lớn tuy vất vả, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng người dân qua bao đời vẫn bám trụ mảnh đất này. Một lý do rất đơn giản là nguồn cội, nơi đây là vùng đất cách mạng, nên không thể bỏ làng mà đi.
Cụ ông Thới Công Luận kể chuyện về chiến khu Đồng Lớn. |
Không ai biết vì sao có tên gọi chùa Hang, bởi nơi đây không phải là chùa, mà là trung tâm chỉ huy của tỉnh, huyện trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chùa Hang nằm sâu trong núi, những khối đá khổng lồ xếp chồng lên nhau tạo thành hang, bên trong hang là dòng suối Hóc Nẻ chảy ngang qua. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi trong phong trào cách mạng của tỉnh, huyện. Ngày trước, cách chùa Hang không xa là khu chứa vũ khí, nhà thương dã chiến... Từ thời chống Pháp cho đến chống Mỹ, làng Đồng Lớn nói chung và chùa Hang nói riêng được Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Huyện ủy Bình Sơn chọn làm căn cứ địa bởi có địa hình hiểm trở, cây cổ thụ che phủ, khó bị địch phát hiện. Điều đặc biệt là, người dân ở Đồng Lớn giàu lòng yêu nước, tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi giấu cán bộ cách mạng.
Ngày trước, Đồng Lớn được mệnh danh là "Đồng Nai con". Thời bấy giờ cuộc sống người dân khấm khá hơn so với các nơi khác bởi nguồn nước tưới dồi dào, quanh năm ruộng đồng tươi tốt. Cụ ông Thới Công Luận (80 tuổi), ở Đồng Lớn cho biết: Hiện nay, cây rừng đã bị chặt phá nhiều nên thiếu nước, chỉ làm 1 vụ lúa/năm, chứ ngày trước Đồng Lớn quanh năm không đứt nước bao giờ, làm 3 vụ lúa, người dân nơi khác vào đây làm công. Có vậy người dân Đồng Lớn mới có nguồn lương thực nuôi quân, phục vụ cán bộ cách mạng".
Ở Đồng Lớn ngày trước có nhiều phú nông, bá hộ tích cực ủng hộ cách mạng như bá hộ Tài (ông nội của ông Luận), bá hộ Vạn, phú nông Bình... Ông Thới Công Luận năm nay đã 60 năm tuổi Đảng. Trong nhà, ông đặt ảnh của Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở vị trí trang trọng. Ông Luận bảo: "Nhờ có cách mạng, có Bác Hồ, bác Đồng và bác Giáp, nhân dân mới được sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc. Cả làng Đồng Lớn theo Đảng làm cách mạng, thế hệ con cháu tự hào về điều này". Gia đình ông Luận qua nhiều thế hệ đều tham gia cách mạng. Cha ông Luận là ông Thới Lãm, huyện ủy viên Huyện ủy Bình Sơn, hy sinh năm 1957. Người anh em ruột của ông cũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Luận thì mười mấy lần suýt chết vì đạn bom của địch, nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.
Quê hương chẳng thể rời xa
Không ít lần chính quyền địa phương đặt vấn đề tái định cư cho người dân ở Đồng Lớn, nhưng ước nguyện của họ vẫn là ở lại mảnh đất ông bà đã dày công khai khẩn. "Gia đình tôi vào ở Đồng Lớn từ thời ông nội. Đi thì nhớ, không bỏ làng được. Ở đây quen rồi, không khí nơi đây rất trong lành", cụ Luận bày tỏ. Ông Luận có 7 người con, thì có đến 6 người con bám trụ Đồng Lớn.
Các nóc nhà ở thung lũng Đồng Lớn, thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn). |
Riêng gia đình ông Luận, với 14 đứa cháu thì có 7 đứa tốt nghiệp đại học. Gia đình ông Thanh có 6 người con, thì 2 đứa học đại học. Trước đây, mỗi khi người trong làng ốm nặng thì phải nằm võng khiêng ra trạm xá. Trong cái khó, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt, người dân sống "tối lửa tắt đèn" có nhau. Lúc Nhà nước chưa đầu tư kéo đường dây điện vào Đồng Lớn, ông Luận tự mình làm thủy điện nhỏ. Vậy là cả làng cứ mỗi tối lại đến nhà ông Luận xem tivi. Đến năm 2002, Đồng Lớn rực sáng bởi ánh điện, từ đó người dân như được tiếp thêm sức mạnh để thực hiện ước nguyện bám trụ Đồng Lớn.
Giờ đây, mong ước lớn nhất của người dân ở Đồng Lớn là Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông, mong có con đường bê tông sạch đẹp dẫn lối vào thung lũng. Đồng Lớn không chỉ là nơi sinh sống của 34 hộ dân, mà còn là "địa chỉ đỏ" để thế hệ trẻ tìm về, nơi để giáo dục truyền thống yêu nước và tiếp lửa niềm tự hào về lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ