(Báo Quảng Ngãi)- Cách đây đúng 46 năm (24.3.1975), quân và nhân dân Quảng Ngãi đã đồng loạt tiến công giải phóng tỉnh nhà. Để quê hương sạch bóng quân thù, biết bao xương máu của cha anh đã đổ xuống, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc và làm sáng ngời truyền thống cách mạng của quê hương.
[links()]
Hơn ai hết, những người đã đi qua chiến tranh luôn thấu hiểu những mất mát, hy sinh, cũng như hiểu rõ giá trị của hòa bình và họ mong muốn thế hệ trẻ hôm nay đoàn kết cùng nhau góp sức xây dựng quê hương, đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Sáng suốt trong nhận định tình hình
Nguyên Phó Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà là một trong số những người đã sống trong những năm tháng hào hùng khi thị xã Quảng Ngãi được giải phóng vào ngày 24.3.1975. Năm nay gần tròn 90 tuổi, nhưng ông Lê Nam Hà vẫn nhớ rành mạch thời khắc mà các cánh quân của ta đồng loạt tiến về thị xã Quảng Ngãi.
Ông Hà kể: Thời điểm đó thị xã Quảng Ngãi là nơi tập trung sinh lực mạnh của địch. Cấp trên nhận định, ta có thể giải phóng thị xã Quảng Ngãi vào ngày 23 hoặc 24.3.1975. Phải đánh chiếm thị xã, nhưng đánh làm sao giành được chính quyền mà giảm thương vong cho ta, đồng thời giảm thiệt hại về cơ sở hạ tầng, để sau ngày giải phóng ta có thêm điều kiện để phát triển...
Theo nhận định của Ban Chỉ huy chiến dịch tỉnh Quảng Ngãi, sau chiến thắng của quân ta ở Buôn Ma Thuột và các tỉnh Tây Nguyên, tinh thần địch ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước hoang mang, dao động. Đây là điều kiện thuận lợi để ta tiến công giải phóng Quảng Ngãi.
Nguyên Thị đội trưởng Thị đội Quảng Ngãi Phan Thanh Hiệp nhớ lại những ngày tháng Quảng Ngãi được giải phóng. Ảnh: NGỌC VIÊN |
Ban Chỉ huy chiến dịch Quảng Ngãi nhận định, địch sẽ tháo chạy ra hướng Chu Lai, nên ta đã bố trí một đội quân phục kích tại Truông Ba Gò, thuộc địa phận xã Bình Hiệp (Bình Sơn). Đúng như nhận định, nửa đêm 24.3, khi địch lọt vào ổ phục kích, quân ta đồng loạt nổ súng tiêu diệt. Quân địch tuy đông, vũ khí hiện đại, nhưng bị phục kích bất ngờ, nên chỉ sau một đêm quân ta tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu giữ nhiều phương tiện, vũ khí.
Nguyên Phó Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà cho rằng: Qua cách đón lõng, tiêu diệt địch ở Truông Ba Gò, không cho địch hội quân ở Chu Lai để ra Đà Nẵng, cho thấy tài thao lược của những người chỉ huy quân đội ta thời đó.
Phát huy tinh thần đại đoàn kết
Đã 46 năm trôi qua, nhưng Đại tá Phan Long Châu - nguyên Trưởng ban cán bộ Ban Chính trị Tỉnh đội Quảng Ngãi (chức danh vào thời điểm Quảng Ngãi hoàn toàn giải phóng) vẫn còn nhớ khá rõ về những ngày đầu giành chính quyền về tay nhân dân. Theo Đại tá Phan Long Châu, để giải phóng tỉnh nhà, ta đã dày công xây dựng lực lượng từ rất nhiều năm. Riêng tháng 2.1975, chúng ta thành lập Trung đoàn 94. Chiến sĩ của ta được tôi luyện, trưởng thành từ trong chiến đấu. Ai nấy đều dày dạn kinh nghiệm, sẵn sàng xả thân giải phóng quê hương, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc đó ý chí, sức mạnh quật cường của quân và dân ta lên rất cao.
Một góc TP.Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: BÙI THANH TRUNG |
Tròn 46 năm sau ngày giải phóng Quảng Ngãi, đó là một chặng đường dài để những người từng cầm súng chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, thấu hiểu và cảm nhận hết giá trị của hòa bình. Sau 46 năm, Quảng Ngãi đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Nói về ước vọng phát triển trong những năm đến, nguyên Phó Bí thư Thị ủy Quảng Ngãi Lê Nam Hà trải lòng: "Những người đi qua cuộc chiến như chúng tôi chỉ mong rằng lớp hậu sanh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung tay đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững...".
NGỌC VIÊN