(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đến nay Quảng Ngãi có 7 văn phòng cấp huyện sáp nhập và đi vào hoạt động. Sau khi sáp nhập, tuy có những thuận lợi so với trước, nhưng cũng còn những vướng mắc cần được sớm tháo gỡ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đi vào hoạt động từ 1.1.2019, Văn phòng huyện Lý Sơn đã ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Chánh Văn phòng huyện Lý Sơn Trần Minh Hoằng cho biết: Sau khi sáp nhập, đơn vị giảm 1 biên chế và 3 hợp đồng lao động. Thuận lợi sau sáp nhập là công tác tham mưu trình văn bản đã rút ngắn thời gian.
Nếu trước đây, khi trình văn bản tham mưu cho UBND huyện thì Văn phòng HĐND&UBND huyện phải trình qua Văn phòng Huyện ủy để báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy, sau đó Văn phòng Huyện ủy mới chuyển lại cho văn phòng HĐND&UBND trình Chủ tịch UBND huyện ký ban hành. Còn bây giờ, chỉ một lần trình. Đây là thuận lợi mà khi hợp nhất văn phòng mang lại.
Cán bộ Văn phòng huyện Lý Sơn trong giờ làm việc. |
Theo một số cán bộ, việc hợp nhất văn phòng đã tạo sự chủ động hơn trong công tác tham mưu, phục vụ của văn phòng cấp huyện. Về nhiệm vụ chuyên môn, tuy thuộc hai khối khác nhau, nhưng đều là tham mưu, tổng hợp cho lãnh đạo huyện, thu gọn về một đầu mối việc phục vụ sẽ nhịp nhàng, hiệu quả, nhất là tiết kiệm kinh phí, chủ động trong điều phối cán bộ, công chức, nhân viên, phương tiện... Tuy nhiên, để văn phòng cấp huyện hoạt động hiệu quả, thì cần khắc phục những phát sinh, bất cập.
Theo Chánh Văn phòng huyện Sơn Tịnh Trần Công Thành, cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ của Chánh Văn phòng cấp huyện sau khi sáp nhập, để người đứng đầu có cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Một bất cập nữa nảy sinh là, khuôn dấu văn phòng mới lại không thể đồng thời theo kiểu “2 trong 1”, vì theo quy định hiện hành thì khuôn dấu của cấp ủy khác với khuôn dấu của chính quyền.
Bài, ảnh: X.THIÊN