Sáp nhập Bệnh viện TP.Quảng Ngãi và Dung Quất vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh:
Cần ổn định tư tưởng cho cán bộ, nhân viên y tế khi sáp nhập

11:11, 05/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện quyết định của UBND tỉnh, đầu năm 2019, Bệnh viện TP.Quảng Ngãi và Bệnh viện Dung Quất sẽ sáp nhập vào Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh. Đây là một trong những giải pháp nhằm tinh giản biên chế và đảm bảo điều kiện để BVĐK tỉnh trở thành bệnh viện hạng I. Hiện nay, ngành y tế đang tập trung tuyên truyền, sắp xếp lại nhân sự, nhằm tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân viên giữa các đơn vị.


Bệnh viện đa khoa tỉnh là bệnh viện hạng II, là tuyến chuyên môn kỹ thuật khám, chữa bệnh (KCB) cuối cùng của tỉnh. Mặc dù có nhiều nỗ lực, song BVĐK tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để phát triển dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu, nhất là việc chẩn đoán, điều trị các bệnh ung bướu, tim mạch, ngoại...

 

 Phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Đối với BVĐK TP.Quảng Ngãi, chủ yếu làm nhiệm vụ sơ cấp cứu, KCB điều trị ngoại trú, y học cổ truyền. Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến đạt thấp. Các chuyên khoa nội, ngoại, sản- nhi, hồi sức tích cực-chống độc, răng-hàm-mặt, tai-mũi-họng- mắt... đều không phát triển.

“Tỉnh chủ trương sắp xếp lại các bệnh viện, nhằm giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp y tế công lập, tinh giản biên chế, góp phần giảm chi ngân sách dành cho y tế và tận dụng hiệu quả hơn hạ tầng và trang thiết bị của các bệnh viện. Người bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại địa phương. Đồng thời, tạo tiền đề và điều kiện để đầu tư nguồn lực phát triển BVĐK tỉnh đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I vào năm 2020”.


Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế
LÊ BÁY

Còn BVĐK Dung Quất được Công ty CP Bệnh viện Dầu khí Việt Nam chuyển giao nguyên trạng về tỉnh quản lý. Bệnh viện đã triển khai một số dịch vụ kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh của người dân trong khu vực, như chạy thận nhân tạo; phẫu thuật ngoại khoa, mổ lấy thai... Công suất sử dụng giường bệnh đạt từ 80  -  108%. Tuy nhiên, hoạt động chuyên môn của bệnh viện vẫn còn hạn chế, chủ yếu điều trị các bệnh lý mức độ nhẹ và vừa. Tỷ lệ thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến thấp.

Vì thế, việc sáp nhập các bệnh viện trên vào BVĐK tỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc sáp nhập này cũng sẽ phát sinh nhiều khó khăn, nhất là việc dôi dư cấp trưởng, phó và một bộ phận y, bác sĩ hợp đồng. Theo Sở Y tế, BVĐK tỉnh sẽ giữ  nguyên mô hình 1 giám đốc và không quá 3 phó giám đốc. Để ổn định nhân sự, BVĐK tỉnh sẽ tiếp nhận 83 viên chức thuộc hai bệnh viện và 11 hợp đồng lao động theo Nghị định 68 của Chính phủ.

Đối với 46 biên chế còn lại của hai đơn vị sẽ chuyển về một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh. “Sở Y tế sẽ tham mưu để UBND tỉnh bố trí công tác phù hợp với một số vị trí cán bộ y tế có giữ chức vụ, nhằm tạo sự yên tâm công tác cho đội ngũ y, bác sĩ ở các đơn vị có sáp nhập”, ông  Báy cho biết.

Về cơ sở vật chất, trong thời gian chờ đợi kêu gọi đầu tư từ bệnh viện ngoài công lập, BVĐK thành phố sẽ chuyển thành Trung tâm chẩn đoán KCB ngoại trú và vận chuyển cấp cứu 115 thuộc BVĐK tỉnh. BVĐK Dung Quất sẽ chuyển thành cơ sở 2 của Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, nhằm đảm bảo việc KCB cho người dân khu đông của huyện Bình Sơn. Cũng từ ngày 1.1.2019, BVĐK Sơn Tịnh sẽ thực hiện nhiệm vụ KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tại địa phương và cả TP.Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, với quy mô như hiện nay, BVĐK Sơn Tịnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Sở Y tế cần tập trung đầu tư, nâng cấp BVĐK huyện Sơn Tịnh, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, nhằm đảm bảo việc KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.  


 Bài, ảnh: TRÍ PHONG

 


.