(Báo Quảng Ngãi)- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Học tập và làm theo tư tưởng của Bác về “dân vận khéo”, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã có nhiều giải pháp phù hợp, động viên người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 1: Việc nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn
|
Với phương châm "gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân" để tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong dân, sự đoàn kết trong cả hệ thống chính trị là bài học quan trọng được rút ra từ phong trào "dân vận khéo" trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Tuyên truyền pháp luật cho ngư dân
Ngư dân Trương Văn Đức, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) là chủ tàu QNg 90450TS hành nghề lặn đêm. Trước đây, do không am hiểu pháp luật nên trong quá trình khai thác hải sản, tàu của ông đã xâm phạm vùng biển nước ngoài. Sau khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải tuyên truyền ông Đức mới hiểu rõ và từ đó đến nay ông luôn chấp hành.
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Lý Sơn chăm lo bữa cơm trưa cho bà Dương Thị Nhượng. |
Ông Đức cho biết: "Do không hiểu biết pháp luật trên biển, vì lợi ích trước mắt nên tôi và một số ngư dân đã xâm phạm vùng biển nước ngoài nhiều lần để khai thác hải sản, dù biết rằng việc xâm phạm này có nguy cơ bị nước sở tại bắt giữ dẫn đến mất trắng tài sản. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bình Hải tuyên truyền, vận động, chúng tôi đã ký cam kết đánh bắt đúng ngư trường, đúng quy định của pháp luật".
Trong 2 năm (2016 -2017), trên địa bàn xã Bình Châu có 10 tàu/466 ngư dân bị nước ngoài bắt, giam giữ do vi phạm vùng biển. Lực lượng biên phòng và cấp ủy, chính quyền xã Bình Châu đã đến từng nhà ngư dân để vận động, nên từ đầu năm 2018 đến nay không có trường hợp ngư dân nào ở Bình Châu vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Hải, Trung tá Võ Văn Tươi cho biết: "Đồn Biên phòng Bình Hải phụ trách khu vực biên giới biển xã Bình Hải, Bình Phú và Bình Châu (Bình Sơn), với 694 phương tiện, trong đó có 381 chiếc có công suất trên 90CV chuyên đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển xa của Việt Nam".
Để thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài, Đồn Biên phòng Bình Hải đã tập trung lực lượng nắm địa bàn, tình hình ngư dân, những dấu hiệu nhận biết khi ngư dân đưa tàu thuyền đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động giáo dục quần chúng nhân dân, đặc biệt là ngư dân, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc bảo vệ chủ quyền an ninh khu vực biên giới biển đảo của Tổ quốc, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật của Nhà nước.
"Chúng tôi không muốn những người lầm lỗi có con cái bị xa lánh. Những đứa con của họ không có tội lỗi gì, nên cần được yêu thương, bảo vệ. Chính vì vậy mà chúng tôi luôn phối hợp với địa phương, quan tâm, giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, xóa đi mặc cảm để họ có cơ hội làm lại cuộc đời". Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Hành, Thượng tá ĐOÀN DƯƠNG |
Chia sẻ với những hoàn cảnh nghèo khó
Đều đặn hai lần trong ngày, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Pháo phòng không, Ban CHQS Lý Sơn lại mang cơm có đủ thịt, cá, rau, canh đến cho cụ bà Dương Thị Nhượng, ở thôn Đông, xã An Hải. Bà Nhượng được đơn vị nhận nuôi đến cuối đời từ năm 2017 đến nay. Trước đây, mỗi tháng đơn vị hỗ trợ 15kg gạo cho bà Nhượng. Sau đó thấy bà sống neo đơn, lại tàn tật, sức khỏe yếu, nên đơn vị nhận chăm sóc bà bằng cách hằng ngày phân công cán bộ, chiến sĩ chăm sóc, lo cơm nước và dọn dẹp nhà cửa cho bà.
Chị Dương Thị Vinh, cháu cụ Nhượng cho biết: "Mùa mưa cũng như mùa nắng, ngày nào cũng vậy, đều đặn trưa chiều các chú bộ đội đều mang cơm đến cho bà. Trước đây, đơn vị chỉ chu cấp gạo, hoặc tiền, dầu ăn; còn bây giờ, đơn vị nhận phụng dưỡng bà đến cuối đời. Gia đình tôi rất biết ơn cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị".
Anh Trần Bích (bên phải) trao đổi chuyện làm ăn với các đồng chí Công an huyện Nghĩa Hành. |
Ngoài cụ bà Dương Thị Nhượng, Ban CHQS huyện Lý Sơn còn nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 4 trường hợp khác, chủ yếu là người già neo đơn không nơi nương tựa, người tàn tật, trẻ em mồ côi cha mẹ. Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Lý Sơn, Trung tá Hồ Ngọc Hiên cho biết: "Với định mức 25kg/300.000 đồng/người/tháng, Ban CHQS huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân và cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện tham gia đóng góp để giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó. Đơn vị yêu cầu cán bộ, chiến sĩ chăm lo bữa cơm phải đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thể hiện tình cảm và trách nhiệm của mình đối với người được nhận đỡ đầu, phụng dưỡng. Qua đó tạo mối đoàn kết quân dân, xây dựng niềm tin của dân đối với LLVT trên đảo".
Toàn tỉnh hiện có trên 4.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có trên 1.220 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có trên 1.610 mô hình; lĩnh vực quốc phòng, an ninh có gần 860 mô hình và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có trên 400 mô hình. Qua đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, số mô hình đạt hiệu quả cao chiếm trên 82%... |
Tiếp sức hoàn lương
Sau khi chấp hành án phạt tù, anh Trần Bích, thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) trở về quê hương với đôi bàn tay trắng và mang nhiều mặc cảm lỗi lầm. Hiểu được điều dó, Công an huyện Nghĩa Hành đã cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ gia đình, khích lệ anh làm lại cuộc đời.
Để anh Bích có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, Công an huyện Nghĩa Hành đã vận động giúp gia đình anh một con bò giống trị giá trên 10 triệu đồng và tiền làm chuồng; hỗ trợ con gái anh một chiếc xe đạp để đi học. Cảm nhận được tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nghĩa Hành và người dân địa phương dành cho, anh Bích đã chí thú làm ăn, ngoài làm thợ hồ, anh Bích còn trồng chuối, cau, chăn nuôi... nên cuộc sống gia đình ngày càng ổn định.
Anh Bích chia sẻ: "Mới đầu, tôi tự ti vì lỗi lầm trong quá khứ, rồi buồn vì vợ bỏ đi... Có lúc tuyệt vọng, nhưng nhìn hai đứa con nhỏ thiếu vòng tay yêu thương của mẹ, nên tôi quyết tâm làm lại từ đầu. May mắn là được các anh công an giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần, nên tôi có thêm động lực xây dựng cuộc sống mới, làm điểm tựa cho các con".
"Hoàn lương cho người cha là để viết giấc mơ cho những đứa con", đó là lời chia sẻ của Phó trưởng Công an huyện Nghĩa Hành, Thượng tá Đoàn Dương khi đơn vị triển khai mô hình “Tiếp sức hoàn lương”. Đây là mô hình được đánh giá cao bởi tính nhân văn; nó khích lệ tinh thần, động viên, giúp đỡ những người một thời lầm lỗi tự tin hòa nhập với cộng đồng để làm lại cuộc đời.
Từ năm 2015 đến nay, Công an huyện Nghĩa Hành đã tặng 19 sổ tiết kiệm, 3 con bò giống, 15 xe đạp và nhiều sách vở, hiện vật khác trị giá trên 70 triệu đồng để giúp đỡ 27 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn và con em của họ để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
Xã hội vẫn còn có người định kiến với những người một thời lầm lỗi. Nếu chúng ta bỏ họ đơn độc thì việc tái phạm rất dễ xảy ra. Nhưng nếu cộng đồng, xã hội quan tâm, chia sẻ, có cái nhìn cảm thông, tạo điều kiện, thì họ sẽ hòa nhập, xây dựng cuộc sống ổn định.
Bài, ảnh: THANH THUẬN
----------
Kỳ cuối: Làm những việc có lợi cho dân