(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù cuộc sống gia đình còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng ở tỉnh ta ngày càng có nhiều người cùng chung suy nghĩ, mỗi người làm một việc tốt, góp một chút công sức để chia sẻ khó khăn với cộng đồng thì quê hương sẽ ngày một đẹp hơn; cuộc sống của người nghèo, những người không may mắn sẽ đỡ vất vả hơn.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nêu gương làm việc tốt
Nhà văn hóa thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) được khởi công xây dựng từ cuối tháng 6, với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, đến nay đã hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng. Thấu hiểu cảnh vất vả của bà con mỗi khi đi họp, sinh hoạt phải mượn tạm nhà dân, gia đình chị Đinh Thị Bôn đã tình nguyện hiến 270m2 đất để thôn xây nhà văn hóa.
Quỹ Bảo trợ trẻ em với chương trình khám, phân loại trẻ em khuyết tật. |
Cảm kích tấm lòng của gia đình chị Bôn, anh Đinh Văn Bình nói: "Việc gia đình chị Bôn hiến đất làm nhà văn hóa là tấm gương để nhiều hộ dân trong thôn hiến đất mở đường. Chị Bôn còn vận động các hộ đóng góp trên 350 ngày công và trên 50 triệu đồng để làm tuyến đường liên xóm dài 1,5km, nên giờ đây việc đi lại của người dân dễ dàng hơn".
Bờ Reo là thôn xa nhất của xã Sơn Thượng. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, có 44/130 hộ nghèo. Chia sẻ với người nghèo, chị Bôn đã tích cực hướng dẫn các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Để người dân làm theo, chị Bôn đã gương mẫu di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn để đảm bảo vệ sinh, phòng tránh dịch bệnh. Từ việc làm của chị Bôn, đến nay có 10/15 hộ chăn nuôi bò trong thôn đã làm theo, góp phần vào việc thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Chị Đinh Thị Bôn năm nay mới 30 tuổi, nhưng gia đình chị là một trong những hộ làm kinh tế giỏi, với 40 ha keo nguyên liệu, mì và đàn bò gần chục con; nhiều năm liền gia đình chị được công nhận là gia đình văn hóa.
Điểm tựa của ngư dân
Những ngư dân ở vùng biển Mỹ Á, thôn Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ) coi ông Nguyễn Văn Xết như là điểm tựa tinh thần, bởi ông hết lòng lo cho cuộc sống của bà con ngư dân. Ông Xết đã 5 nhiệm kỳ làm trưởng vạn chài thôn Hải Tân. 50 năm gắn bó với biển cả, giờ ở tuổi 66 ông Xết chỉ làm những công việc hậu cần trên bờ. Ông vui khi những con tàu từ khơi xa trở về cá đầy khoang và cũng đầy lo lắng mỗi khi tàu chưa kịp về neo đậu khi có thiên tai. Bởi hơn 10 năm trước đây, khi cửa biển Mỹ Á chưa được nạo vét, tàu thuyền ra vào cửa biển thường bị mắc cạn tàu.
Ông Xết tất bậc với công việc báo cáo chính quyền, rồi họp dân để động viên, quyên góp kinh phí nạo vét tạm thời cửa biển. Dự án xây dựng cảng cá và nạo vét luồng lạch cửa Mỹ Á giai đoạn 1 đã hoàn thành, nhưng đến mùa biển động, cửa biển vẫn cứ bị bồi lấp. Tàu thuyền ra vào cửa biển lại bị mắc cạn, hoặc va phải đá ngầm rồi bị chìm. Những lúc như vậy ông Xết lại mất ăn, mất ngủ, vì phải đi vận động người dân tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Không chỉ có vậy, ông Xết còn vận động người dân đóng góp kinh phí giúp đỡ các chủ tàu bị nạn để họ có điều kiện tiếp tục vươn khơi bám biển. Từ đó, ông nghĩ cần thành lập quỹ để có nguồn kinh phí ổn định giúp ngư dân trong vạn khi bị nạn. Ông Xết chia sẻ: Theo tục lệ, cứ 3 năm vào dịp cúng thần Nam Hải là thay vạn trưởng, nhưng 15 năm nay, ngư dân vẫn tín nhiệm chọn tôi, nên tôi sẽ cố gắng trong công việc để không phụ lòng tin của người dân.
Thôn Hải Tân có trên 3.000 dân, sống chủ yếu dựa vào nghề biển. Vùng biển Mỹ Á hiện có đội tàu thuyền trên 400 chiếc, trong đó có 300 tàu đánh bắt xa bờ ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Bắc của Tổ quốc. Anh Ngô Thanh Phong, ngư dân ở thôn Hải Tân cho biết: "Ở làng biển Mỹ Á này, bà con ngư dân đều quý chú Xết, tuổi cao rồi nhưng luôn hết lòng vì vạn chài. Chú Xết là người đã xây dựng, vun đắp tình đoàn kết, yêu thương trong cộng đồng cư dân vạn chài".
1.500 trẻ em bị tim bẩm sinh được phẫu thuật Hơn 15 năm giành lại sự sống cho 1.500 trẻ em bị tim bẩm sinh là cả hành trình dài lặng lẽ, âm thầm cống hiến của những người làm công tác tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh. Đến nay, Quảng Ngãi đã xây dựng được cơ sở dữ liệu trẻ em bị tim bẩm sinh. Nhờ đó, mỗi năm có khoảng 10.000 lượt trẻ em được khám sàng lọc, tư vấn về bệnh tim bẩm sinh và có khoảng 100 em được hỗ trợ phẫu thuật. |
Bài, ảnh: THANH THUẬN