(Báo Quảng Ngãi)- “Trưởng thôn của chúng tôi đâu có học cao, vậy mà chữ Tâm thì ai cũng phải học tập ở ông”, người dân ở Nho Lâm, xã Phổ Hòa (Đức Phổ) nói về trưởng thôn Bùi Văn Cang với sự nể phục như thế.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo “tiếng lành đồn xa” về một trưởng thôn hơn 30 năm tận tụy với dân, chúng tôi tìm về thôn Nho Lâm, xã Phổ Hòa.
Đâu dễ có được lòng dân
Đến nay đã là năm thứ 34 ông Cang làm trưởng thôn, kể từ lúc ông 29 tuổi, nhiều bận ông xin thôi không làm trưởng thôn vì lớn tuổi, vả lại đảm đương công việc đã quá lâu. “Làm miết đến khi nào không còn sức để làm nữa thì hẵn nghỉ”, lời nói của người dân Nho Lâm mộc mạc, nhưng đầy ý tứ, gửi gắm ở trưởng thôn Bùi Văn Cang tình cảm, niềm tin mà không dễ gì người khác có được.
Có bận ông Cang ốm nặng, nằm bệnh viện huyện cả tháng trời. Hầu như cả thôn, hộ nào cũng đến bệnh viện thăm, nhiều người ở bệnh viện thắc mắc không biết ông làm chức vụ gì mà có nhiều người quan tâm. “Ông ấy làm trưởng thôn”, người dân Nho Lâm đáp lời.
Trưởng thôn Nho Lâm, xã Phổ Hòa, huyện Đức Phổ (bên phải) thường xuyên ra thăm đồng, trao đổi với người dân về chuyện đồng áng. Ảnh: PV |
Bây giờ, trưởng thôn còn được hưởng phụ cấp hệ số 1% so với mức lương tối thiểu, chứ ngày trước không có đồng phụ cấp nào. Nhưng nếu nói làm trưởng thôn để hưởng lợi cá nhân thì có lẽ ông Cang đã nghỉ từ lâu lắm rồi. Điều đặc biệt ở Nho Lâm, qua bao nhiêu nhiệm kỳ bầu trưởng thôn, người duy nhất được giới thiệu để bầu và được nhân dân tín nhiệm chỉ có mỗi mình ông Cang. “Sự tin tưởng, động viên của nhân dân đã giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ trưởng thôn ngót hơn nửa đời người”, ông Cang chân tình nói.
Nhiều người bảo hạt gạo căng tròn trên đồng ruộng nuôi lớn những đứa trẻ ở Nho Lâm cũng là có công lớn của ông Cang. Cánh đồng Nà rộng hàng chục hécta, ngày trước không có nước tưới chỉ làm một vụ màu. Khi chia lại ruộng đất, ông đề xuất với bà con nhân dân giữ lại một phần diện tích đất để sau này làm kênh mương. Năm 2009 tuyến kênh dẫn nước vào cánh đồng Nà được xây dựng với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ đó nông dân làm 1 vụ lúa, 1 vụ màu đạt năng suất cao. |
Cán bộ uy tín, nói dân nghe
Không thể đếm xuể những việc có lợi cho dân mà trưởng thôn Bùi Văn Cang đã làm, điều này chỉ có người dân ở Nho Lâm biết rõ hơn cả. Lão nông Nguyễn Văn Giỏi (74 tuổi, ở khu dân cư số 1) kể, vào cái năm chia lại ruộng đất theo Nghị định 64 của Chính phủ, những thửa ruộng màu mỡ thì để cho dân, còn lại ruộng xấu ông Cang dành phần mình, chỉ riêng việc này cũng đủ để biết trưởng thôn Nho Lâm là người thế nào.
“Thôn Nho Lâm này phát triển cũng là nhờ công rất lớn của ông Cang, từ việc xây dựng nông thôn mới, đường làng ngõ xóm khang trang, tình làng xóm bền chặt... Trưởng thôn có uy tín nên làm được việc”, cụ Giỏi cho biết.
Chúng tôi chạy xe máy một vòng quanh thôn Nho Lâm, tất cả các tuyến đường ngõ xóm ở đây đều đã được bê tông và có điện đường, được như thế ông Cang vui nhiều lắm. Có lẽ, đối với ông, niềm vui lớn nhất trong cuộc đời làm trưởng thôn của mình là được dân tin, nói dân nghe. Từ những năm 90, khi chưa có chủ trương bê tông giao thông nông thôn, ông Cang đã nghĩ đến việc mở rộng đường, để xe ô tô vào tận đồng ruộng chở nông sản. Nói là làm, nhân dân rất đồng tình.
Ngày ấy, các thôn khác đến Nho Lâm học hỏi kinh nghiệm mở đường. Có những việc nhiều người không nghĩ trưởng thôn Bùi Văn Cang làm được, đơn cử như con đường ngầm qua sông Lò Bó. Vào khoảng năm 1996, bên kia sông là cánh đồng mía bạt ngàn, cho năng suất cao, nhưng mỗi lần thu hoạch, nông dân lại vã mồ hôi đi bộ vác mía qua bên này sông để đưa đi tiêu thụ.
Sau nhiều đêm trăn trở, trưởng thôn Cang tổ chức họp dân, kêu gọi đóng góp làm đường. Trong dân đa số đồng tình, một số ít e ngại, vì không có tiền. Ông Cang đã đứng ra ký nợ với mỏ đá để có vật liệu làm đường, đợi đến khi người dân thu hoạch vụ mùa mới có tiền trả nợ. Cái hôm đầu tiên xe ôtô chạy thẳng vào đồng mía, nông dân vui mừng không tả xiết.
Lại nói chuyện trẻ con Nho Lâm, anh Nguyễn Văn Út, người vừa được bà con trong thôn biểu dương vì đã hiến hơn 150m2 đất ở để làm đường, cho biết từ khi anh còn bé xíu đã rất yêu mến chú Cang, đến giờ 42 tuổi vẫn giữ trọn tình cảm nể phục, tôn kính đối với chú trưởng thôn.
“Chú Cang cống hiến hơn nửa đời người vì lợi ích của nhân dân, mình hiến bấy nhiêu đất để làm đường thì có là gì đâu. Nhiều người hiến chứ đâu phải riêng mình”. Vợ chồng anh Út làm nông, tính ra giá trị của mảnh đất anh hiến tặng với nhà nông như anh lớn lắm, cả vài trăm triệu chứ chẳng ít, nhưng có lẽ giá trị hơn cả là uy tín của người trưởng thôn và tình làng, nghĩa xóm.
V.HƯỜNG-P.LÝ