Nhiệt huyết của một trưởng thôn trẻ

08:12, 05/12/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- "Niềm vui của tôi là nhận được sự yêu thương, tín nhiệm của bà con. Họ nghe theo và thay đổi cách sống, cách làm kinh tế nên từng bước giảm được nghèo", đó là chia sẻ của anh Hồ Văn Dé - Trưởng thôn Gỗ, xã Trà Thanh (Tây Trà).

TIN LIÊN QUAN

Một ngày cuối tháng 11, chúng tôi có mặt tại xã Trà Thanh và được nghe câu chuyện đầy cảm động của người dân khi nói về trưởng thôn Gỗ, anh Hồ Văn Dé. Dù mới 26 tuổi, nhưng anh đã có hơn ba năm làm trưởng thôn. Anh Dé tâm sự: "Mình là người trẻ, nên phải góp sức xây dựng quê hương. Vì thế, tôi đã khuyên bảo thanh niên địa phương lo làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương ngày càng phát triển".

Người dân thôn Gỗ biết cách tự ươm keo giống một phần cũng nhờ trưởng thôn Hồ Văn Dé.
Người dân thôn Gỗ biết cách tự ươm keo giống một phần cũng nhờ trưởng thôn Hồ Văn Dé.


Theo anh Dé, ngày trước ở thôn Gỗ có nhiều thanh niên rượu chè, không lo làm ăn. Nhưng những năm gần đây, tình trạng này đã hạn chế nhờ sự can thiệp của các tổ chức đoàn thể ở địa phương, trong đó có sự tham gia nhiệt tình của trưởng thôn Hồ Văn Dé. Không cuộc họp nào vắng mặt anh, nhất là các cuộc họp do Đoàn thanh niên thôn tổ chức. Anh thẳng thắng bày tỏ, đóng góp ý kiến để làm thay đổi cách nghĩ của thanh niên vùng cao. Khi thấy thanh niên không lo làm, anh tìm đến làm bạn với họ, rồi chỉ ra những điều không hay, như thường xuyên rượu chè, con cái sẽ đói, gia đình sẽ nghèo. Từ đó nhiều thanh niên quý trọng anh, nghe theo lời anh chăm chỉ trồng lúa, trồng rừng.

Chỉ tay về vườn ươm keo, anh Dé vui vẻ cho biết: Mấy năm trước, người dân phải mua keo giống về trồng. Giờ họ biết tự ươm keo nên chi phí giảm bớt, kiếm thêm chút tiền lời. Sự đổi mới đó cũng nhờ hai năm trước, anh Dé chịu khó đến các nơi trồng keo ở địa phương khác tìm hiểu và thấy được cách làm hay về chia sẻ với người dân. Anh Dé dẫn chúng tôi đến thăm vườn ươm keo của nhà chị Hồ Thị Hồng (39 tuổi) người đang sở hữu hơn 90 nghìn cây keo, chị Hồng cho biết: "Nhờ biết cách tự ươm cây giống, nên gia đình tôi tiết kiệm được một khoản chi phí. Mà tôi thấy, hiệu quả kinh tế từ cây keo đem lại rất cao. Anh Dé tuy trẻ tuổi, nhưng luôn nhiệt tình hướng dẫn người dân cách làm ăn".

Bên cạnh đó, nhiều năm nay anh Dé đã cùng với ban mặt trận địa phương tích cực triển khai cách trồng lúa nước theo mùa vụ cho người dân. Bởi theo anh Dé, trồng lúa theo kiểu thích trồng lúc nào thì trồng của bà con, khiến năng suất thu hoạch rất thấp. Muốn đạt năng suất phải trồng lúa theo đúng kỹ thuật, đúng mùa vụ.

Do vậy, anh Dé thường xuyên tổ chức họp thôn để triển khai và chia sẻ cho người dân về cách trồng lúa đúng thời vụ. Mưa dầm thấm lâu, người dân nghe theo và thay đổi tập quán trồng cây lúa nước. Bà Hồ Thị Non (64 tuổi) cho biết: "Nhờ nghe theo cách trồng lúa nước của anh Dé, mà mấy năm nay ba sào ruộng của gia đình tôi luôn đạt năng suất. Ngày trước, bình quân một sào chỉ thu được 3 - 4 bao. Bây giờ  thu được 7 - 8 bao lúa".

Không chỉ nhiệt huyết trong công việc, anh Dé còn tích cực lao động, sản xuất.  Một mình anh Dé trồng hơn 10 nghìn cây keo, 4.000 cây quế, 2 sào ruộng. Tuy bận rộn với công việc gia đình và hàng tá công việc không tên của thôn, không có thời gian nghỉ ngơi, nhưng anh Dé luôn tâm niệm: Phải ưu tiên hàng đầu việc của thôn. Thôn có bình yên và kinh tế phát triển thì cuộc sống của người dân mới được nâng lên.

Chủ tịch UBND xã Trà Thanh Hồ Thanh Hùng, tự hào nói: "Tuy là một người trẻ tuổi, nhưng anh Dé luôn tích cực, hết lòng với mọi phong trào, dám nói, dám làm. Anh Dé luôn triển khai kịp thời các đường lối chính sách của Nhà nước đến với bà con. Nhờ có anh Dé mà thôn Gỗ đổi mới hơn và là một trong những thôn có cuộc sống bình yên, người dân luôn đoàn kết, yêu thương nhau".

Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG
 


.