Đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo"

02:11, 29/11/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)-Thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, công tác dân vận ở tỉnh ta đạt được những kết quả tích cực. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai sâu rộng, trở thành phong trào chung của cả hệ thống chính trị, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia.

TIN LIÊN QUAN

 

Đại diện Ban Dân vận TƯ tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua Dân vận khéo.
Đại diện Ban Dân vận TƯ tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua Dân vận khéo.


Đánh giá về kết quả thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong thời gian qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang khẳng định: “Dân vận khéo” là một trong những phong trào thi đua yêu nước thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân tham gia với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Kết quả của phong trào thi đua này, đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò điều hành và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong cả hệ thống chính trị. Qua đó góp phần củng cố niềm tin, xây dựng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; là tiền đề đưa các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, vươn lên về mọi mặt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 500 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị. Hầu hết các mô hình đều gắn với thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Cụ thể như mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp; trong cải cách hành chính, giải quyết những bức xúc, nổi cộm trong nhân dân; trong vận động an sinh xã hội, xây dựng gia đình hiếu học, xã hội học tập... Các phong trào đã mang lại hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, phong trào thi đua “Dân vận khéo” cũng còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và Ban chỉ đạo cấp cơ sở chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào thi đua; nguồn lực đầu tư thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” còn hạn chế... Một số địa phương chưa chủ động trong việc nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả; một số mô hình “Dân vận khéo” đã đăng ký xây dựng nhưng hoạt động chưa rõ nét, hiệu quả chưa cao.

Để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị- xã hội tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn nữa về công tác dân vận. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo tinh thần Nghị quyết 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khoá XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trọng tâm là xây dựng mô hình “Dân vận khéo” phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nguyện vọng của nhân dân. Các mô hình phải có tính bền vững, sức lan toả và hướng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chủ yếu, 3 nhiệm vụ đột phá và 3 nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020.

Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.