(Báo Quảng Ngãi)- Tròn 55 năm kể từ ngày ông được giao “trọng trách” chụp ảnh Bác Hồ và cũng ngần ấy năm, ông trân trọng, giữ gìn những tác phẩm về Bác như một phần ký ức đẹp trong cuộc đời cầm máy sáng tác ảnh. Người có vinh dự lưu lại những hình ảnh về Bác chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành – cụ Nguyễn Hy.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ ở đường Bắc Sơn (TP. Quảng Ngãi), chúng tôi có dịp trò chuyện với cụ Nguyễn Hy và được ông chia sẻ về những cảm xúc, những kỷ niệm và cả những khoảnh khắc khi được chụp ảnh vị lãnh tụ của dân tộc khi đang công tác ở tỉnh Bắc Giang. Tết Bính Thân này, ông bước qua tuổi 90 nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn và minh mẫn. Chúng tôi cảm nhận dường như “lửa” nhiệt huyết với nghề nhiếp ảnh chưa bao giờ rời xa khi được nghe tận tường câu chuyện ông được giao nhiệm vụ chụp ảnh Bác khi Người về thăm và làm việc tại Bắc Giang. Ông nhớ từ ngày giờ chụp, địa điểm, hoàn cảnh chụp... đến lúc in tráng, lưu giữ ảnh Bác.
Ông Nguyễn Hy kể lại những lần chụp ảnh Bác Hồ. |
Ông Hy kể: Ngày đầu tháng 4.1961, lãnh đạo Ty kêu tôi lại nói trong vòng một tuần không được đi đâu xa vì sẽ có việc đột xuất, nhưng không cho biết cụ thể việc gì. Lúc đó mọi việc rất bí mật. Chỉ trước một ngày, lãnh đạo mới cho biết là Bác về thăm tỉnh và tôi được giao chụp ảnh trong suốt thời gian Bác làm việc tại tỉnh. Khi biết nhiệm vụ rồi, suốt đêm đó tôi không sao ngủ được vì quá sung sướng, vui mừng, nhưng cũng đầy ắp lo lắng trước trọng trách lớn lao này. Tối đó tôi lấy máy ảnh lắp phim chụp thử từng cuộn một kiểu một, rồi cắt, tráng, rọi xem phim có bị mốc không, ảnh có bắt đèn không và 10 cuộn phim được chuẩn bị sẵn sàng để tác nghiệp.
Với công trình 6 bức ảnh chụp về Chủ tịch Hồ Chí Minh (từ năm 1961 -1967), ông Nguyễn Hy đã làm hồ sơ gửi xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; đồng thời được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ triển lãm cá nhân trong năm 2016. |
Đúng 7 giờ sáng ngày 7.4.1961, Bác từ trên xe bước xuống, tay vẫy chào nhân dân mà chân vẫn bước đi nhanh nhẹn. Cả sân vận động rợp cờ đỏ sao vàng, tiếng hô: “Chủ tịch Hồ Chí Minh” vang lên không ngớt. Lúc này trời bỗng mưa nặng hạt nhưng toàn thể cán bộ và nhân dân vẫn đứng im lặng nghe từng lời của Bác căn dặn. Rồi Bác tặng hoa cho mẹ chiến sĩ có con vào chiến trường miền Nam, bắt nhịp cho các cháu thiếu nhi và toàn dân cùng hát vang bài ca: “Kết đoàn”. Đó cũng là lần đầu tiên ông vinh dự được chụp ảnh về Bác.
Trong hàng trăm bức ảnh đầu tiên, ông Hy kể cho chúng tôi nghe về hai bức ảnh mà đến giờ ông ưng ý nhất. Đó là hình ảnh Bác ân cần thăm hỏi và tặng hoa cho bà mẹ chiến sĩ tỉnh Bắc Giang vì nghĩa lớn mà nén lòng động viên con trai độc nhất lên đường vào chiến trường miền Nam (chụp ngày 7.4.1961) và bức ảnh Bác đến thăm giếng nước của gia đình ông Hồng tại thôn Long Trì, xã Tân An (huyện Yên Dũng) để nhắc nhở bà con việc giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe thông qua câu chuyện dùng nước sạch. “Bác mặc áo bông màu nâu giản dị, tay thuần thục kéo gàu múc nước từ giếng lên với khuôn mặt hiền từ vừa trò chuyện với bà con. Những khoảnh khắc đó bình dị nhưng khó quên lắm”, ông Hy nhớ lại.
Tuy là lần đầu tiên nhưng ông đã “bắt” được thần thái và phong cách đời thường, sự gần gũi rất đỗi dung dị của Bác với nhân dân tỉnh Bắc Giang. Sau lần ấy, ông tiếp tục được “tín nhiệm” mỗi khi Bác về công tác tại Bắc Giang. Giọng ông trầm ngâm: Lần thứ hai là ngày 17.10.1963 lúc Bác về dự hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh thành tỉnh Hà Bắc và lần thứ 3 là mùng Một Tết Đinh Mùi năm 1967, Bác đi kiểm tra tuyến đường bị bom đạn từ Bắc Giang-Hà Nội, thăm hai công trường lấp hố bom hai đầu cầu Sông Thương.
Những hình ảnh về Bác qua góc nhìn của ông lại một lần nữa chạm đến tình cảm của chúng tôi với nhiều cảm xúc về Người lãnh tụ luôn “gần dân, sát dân”, hết lòng chăm lo cho cuộc sống của nhân dân. “Niềm vui được gặp Bác như trọn vẹn hơn khi được Bác chạm vào tay khi tôi được tháp tùng đoàn công tác của tỉnh tiễn Bác Hồ tại Sông Cầu. Lúc ấy Bác bắt tay từng người một và mình được vinh dự được nắm tay Người. Đó là một cảm giác thiêng liêng. Hình ảnh Bác bình dị đến khó quên...”, ông Nguyễn Hy bồi hồi nhớ lại.
THANH THUẬN