Tổ quốc mãi ghi ơn

10:01, 16/01/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những ngày này, nhân dân cả nước đang hướng về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Với những gia đình có người thân hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược và chống đế quốc, thì không gì vui bằng khi sự hy sinh của người thân đã mang đến những mùa xuân ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà, mọi người. Để bù đắp những hy sinh lớn lao đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có nhiều chính sách chăm lo cho gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, như một nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng tri ân.

TIN LIÊN QUAN

Cầm Huân chương Độc lập hạng Nhất, cụ Phạm Tuế nghẹn ngào kể về những người con của mình đã hy sinh.
Cầm Huân chương Độc lập hạng Nhất, cụ Phạm Tuế nghẹn ngào kể về những người con của mình đã hy sinh.
Ông Võ Đình Hưng - Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tư Nghĩa, cho biết: Trong  đợt trao tặng Huân chương Độc lập cho các gia đình liệt sĩ trong tỉnh theo Quyết định 1598/QĐ- CTN của Chủ tịch nước vừa qua, huyện Tư Nghĩa có đến 75 gia đình được trao tặng. Đây là địa phương có nhiều gia đình có nhiều người thân hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Trong đó, có 5 gia đình được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; 14 gia đình được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Những ngày này, nhà nhà đều lo chuẩn bị mua sắm Tết. Gia đình cụ Phạm Tuế (94 tuổi) ở thôn An Lạc xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cũng tất bật xây dựng lại ngôi nhà mới. Cụ Tuế, bảo: “Gia đình vừa nhận được Huân chương Độc lập hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Dẫu những người con không còn nữa, nhưng sự hội tụ những giấy, bằng, huân, huy chương mà Tổ quốc khắc tên từng liệt sĩ về với gia đình cũng phần nào an ủi tuổi già”. Nói rồi cụ Tuế mân mê tấm Huân chương như ôm trọn những người con, người vợ mình vào lòng. Cụ sinh được 9 người con (4 trai, 5 gái) thì hết 6 người đã lần lượt ra đi mãi mãi khi tuổi còn đôi mươi.

Ngày đó, chiến tranh vùng này ác liệt lắm. Địch hết bắn phá rồi lại đi càn. Dân trong vùng sớm giác ngộ cách mạng. Cụ làm Bí thư chi bộ thôn, vợ  làm cán bộ nuôi quân. Ngôi nhà của cụ nằm gối đầu trên núi Gấm. Trong nhà có nhiều địa đạo thông với núi, nên trở thành lối đi về của cán bộ cách mạng. Những người con của cụ lớn lên lần lượt xung phong vào chiến trường. Kể từ đó, bên cạnh nhận  những tin chiến công vang dội, cụ Tuế cũng lần lượt nhận những tin mất mát về người thân. Đầu tiên là người vợ Lê Thị Mệ ra đi khi đang chuẩn bị lương thực nuôi quân thì bị địch bắn chết vào năm 1966. Tiếp đến năm 1970, người con trai Phạm Công Bửu hy sinh khi đang làm du kích xã. Vết thương lòng chưa nguôi thì cũng trong năm này, cụ lại nhận tin người con trai vừa tròn 18 tuổi tên Phạm Công Danh chết trên đường đưa thư và cũng không bao lâu sau, con gái cụ cũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ giao liên.

Bản thân cụ sau đó cũng bị địch bắt đày đi Côn Đảo. Sau hòa bình trở về, cụ lại nhận thêm tin hai người con của mình cũng nằm xuống trên đất mẹ. Cụ như quỵ trước cuộc đời. Nhưng rồi những người con còn lại của cụ đã động viên kịp thời. Đảng và Nhà nước cũng đã có những chính sách ghi ơn phần nào đã làm ấm lòng cụ…

  Tết năm nay gia đình của bác Võ Du ở thôn An Hòa Bắc cùng xã với cụ Tuế cũng cảm thấy tự hào hơn. Cả gia đình gồm 9 người đều theo cách mạng. Người ra chiến trường cầm súng chiến đấu, người ở lại tham gia du kích địa phương, dân công hỏa tuyến… Còn bác Du thì mới 12 tuổi đã xa gia đình ra đất Bắc học tập. Ngày hòa bình trở về chỉ có bác Du và hai người em gái đoàn tụ bên cha mẹ. Những người em của bác đã lần lượt hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ. Bác Du thổ lộ: “Những ngày sống trên đất Bắc, lòng luôn dõi về quê hương. Nơi đó có cha mẹ, có các em và bà con xóm làng hàng ngày chìm trong lửa đạn nên lúc nào cũng mong được trở về cầm súng chiến đấu và gặp người thân. Nào ngờ, khi trở về, quê hương vắng bóng quân thù thì cũng là lúc gia đình người còn, người mất”.

Những năm tháng cuối đời, cha mẹ bác vì nhớ thương con mà lần lượt ra đi sớm. Giờ trong ngôi nhà nhỏ treo đầy giấy khen, huân, huy chương, bằng Tổ quốc ghi công phần nào đã an ủi gia đình bác. Bác chia sẻ: “Ngày về huyện nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì cũng là ngày bác thắp nén nhang lên bàn thờ báo cáo với cha mẹ, tổ tiên về công trạng và sự hy sinh của các em đã được Nhà nước ghi công”.

Theo sử sách Đảng bộ huyện Tư Nghĩa, những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Lâm, Nghĩa Thuận địch càn phá dữ dội. Bởi nơi đây, người dân địa phương và các đơn vị bộ đội chủ lực dựa vào thế núi rừng về đóng quân hoạt động cách mạng. Địch nghi ngờ nên đóng đồn, thả bom, càn quét làng mạc. Vì thế mà nhiều gia đình hy sinh chỉ còn lại vài người. Việc truy tặng, phong tặng huân, huy chương cho các gia đình liệt sĩ đã làm ấm lòng người ở lại và đó cũng là cách Tổ quốc mãi ghi ơn những người ngã xuống vì hòa bình, độc lập.
 

Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.