(Báo Quảng Ngãi)- Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), công tác tổ chức đánh giá, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên được Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Hành đặc biệt quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực...
Theo đồng chí Phan Bình - Bí thư Huyện ủy, từ năm 2010 trở về trước, đội ngũ cán bộ huyện còn “hẫng hụt”, chắp vá, chất lượng cán bộ theo tiêu chuẩn thiếu và yếu. Công tác tuyển chọn, quy hoạch, sử dụng cán bộ chưa có tầm nhìn chiến lược, thiếu tính chủ động nên thiếu 20 cán bộ cấp trưởng, phó phòng và theo quy định Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XVIII) về phát triển nguồn nhân lực thì không đủ điều kiện để bổ nhiệm.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông. |
Để khắc phục tình trạng này, sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết TƯ 4, Huyện ủy Nghĩa Hành đã tập trung giải quyết vấn đề này. Đó là, Huyện ủy đã ban hành Quyết định 270 và HĐND huyện ban hành Nghị quyết 02 về thu hút nguồn nhân lực có chất lượng về công tác tại huyện và xã. Theo đó, trong năm 2014, huyện đã thu hút 18 cán bộ có trình độ đại học (hệ chính quy) xếp loại tốt nghiệp từ trung bình khá trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với cơ quan đơn vị (nhất là ngành nông lâm, kinh tế) và tuổi đời không quá 30 tuổi. Trong đó, khối UBND huyện 5 người, khối Đảng 2 người và xã, thị trấn 11 người. Đây được xem là bước đột phá của huyện trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực và là đội ngũ kế cận cho nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng về sau này.
Cùng với chính sách thu hút, Huyện ủy còn tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Theo đồng chí Phan Bình, trước khi có Nghị quyết TƯ 4, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của huyện thiếu tính chủ động, dàn trải, chưa gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ, thiếu thống nhất, chưa có kế hoạch cụ thể từng năm, từng giai đoạn... Do vậy, chưa bảo đảm sự cân đối về cơ cấu, ngành nghề, lĩnh vực đào tạo…Từ việc nhìn rõ những hạn chế đó, Huyện ủy xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần đặt lên hàng đầu. Trong đó, tập trung đào tạo về lý luận chính trị và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Trong năm, đã cử gần 20 cán bộ đi học thạc sĩ, đại học chuyên môn, cao cấp và trung cấp lý luận chính trị - hành chính. Hầu hết cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ được hỗ trợ theo quy định, đồng thời ý thức được trách nhiệm học tập, nỗ lực khắc phục khó khăn hoàn thành chương trình đào tạo và đạt kết quả tốt. Sau đào tạo, bồi dưỡng, số cán bộ này được đề bạt, bổ nhiệm và giao nhiệm vụ cao hơn. Trong năm 2014, huyện đã bổ nhiệm 7 chức danh trưởng, phó phòng và đang xem xét bổ nhiệm 8 trưởng, phó các phòng, ban của huyện.
“Sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), công tác đánh giá cán bộ, nhất là đối với thành viên cấp ủy, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ. Việc đánh giá, xếp loại được thực hiện nghiêm túc, dựa trên các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác. Việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm cũng đã được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ hơn, đảm bảo đúng chất lượng. Trên cơ sở kết quả đánh giá cán bộ, huyện đã tiến hành rà soát, xây dựng quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015 - 2020 đảm bảo theo cơ cấu, tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ...”, đồng chí Phan Bình - Bí thư Huyện ủy khẳng định.
Huyện Nghĩa Hành được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới nên huyện xác định đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Thực tế trong 3 năm qua, cùng với sự vào cuộc tích cực của người dân thì cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mình.
Đặc biệt là đội ngũ cán bộ Phòng NN&PTNT đã tích cực tham mưu kịp thời và đề xuất những giải pháp khả thi trong hành trình xây dựng huyện điểm nông thôn mới của tỉnh. Kết quả đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong năm 2014. Có thể nói, những biện pháp đổi mới trong công tác cán bộ đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện Nghĩa Hành, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng vững mạnh. Đây cũng là yếu tố quan trọng để Đảng bộ huyện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra.
Bài, ảnh: Thanh Thuận