Chất vấn và trả lời chất vấn: “Nóng” về thực trạng công tác tái định cư

04:07, 04/07/2013
.

(QNĐT)- Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XI, sáng 4/7, các đại biểu đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Có 12 câu hỏi được đưa ra trong phiên chất vấn, tuy nhiên vấn đề “nóng nhất” được các đại biểu quan tâm vẫn là những bất ổn trong công tác tái định cư…

TIN LIÊN QUAN

 

Bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn.
Bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi về nhiều khu tái định cư như: Khu tái định cư thôn Ca La, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà; Khu tái định cư La Noong, xã Trà Giang, khu tái định cư Nước Cây Trường, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng; điểm tái định cư đồi 3 cụm Long Hiệp, Minh Long… đến nay người dân vẫn chưa vào ở hoặc chỉ một số ít người dân vào ở; nhiều hạng mục công trình xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí, mục tiêu xây dựng khu tái định cư không đạt được. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc về ai và hướng xử lý như thế nào?

Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NH&PTNT Quảng Ngãi cho biết: Khu tái định cư Nước Cây Trường, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng được xây dựng để tái định cư cho 20 hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai của xã Trà Sơn. Công tác xây dựng đã hoàn thành trong năm 2010, Chi cục Phát triển nông thôn đã bàn giao cho UBND xã Trà Sơn vào ngày 14/10/2010 và phối hợp với UBND xã tiến hành phân lô, cấp đất cho các hộ dân để UBND xã tổ chức di dời các hộ dân vào khu tái định cư theo kế hoạch được duyệt.

Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT.
Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT.

Tuy nhiên do mức hỗ trợ di dời thấp, 10 triệu/hộ nên chỉ có 1 hộ dân đến ở. Hiện 19 hộ dân còn lại đã cam kết sẽ tiến hành làm nhà trước tháng 9/2013 và mong muốn địa phương hỗ trợ thêm kinh phí bằng cách lồng ghép với Chương trình 167 để tạo điều kiện cho các hộ này có điều kiện làm nhà, xây dựng hệ thống cấp điện để hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.

Còn điểm tái định cư Sơn Linh được đầu tư xây dựng năm 2008 với tổng mức đầu tư là 845 triệu đồng để tái định cư cho 40 hộ dân vùng sạt lở núi, sạt lở ven sông của thôn Gò Vườn, xã Sơn Linh. Tuy nhiên hiện cũng chỉ có 1 hộ dân đến ở.

Qua khảo sát và thăm dò ý kiến của các hộ đã có danh sách tái định cư thì hiện nay có 7 hộ đã tự làm nhà ở nơi khác, 32 hộ còn lại đều có nguyện vọng vào khu tái định cư nhưng với điều kiện phải thu hồi và bồi thường đất xây dựng mặt bằng (17.150m2) cho các hộ có đất để các hộ khi vào khu tái định cư được cấp quyền sử dụng đất lâu dài.

Đồng thời đề nghị đầu tư nâng cấp 1.000m đường dẫn vào khu tái định (hiện đã có đường vào khu tái định cư rộng hơn 3,5 mét nhưng một số đoạn bị lầy lội vào mùa mưa nên các phương tiện cơ giới không vào được).

Khu tái định cư thôn La Nong, xã Trà Giang, huyện Trà Bồng  được xây dựng năm 2006 bằng nguồn vốn Chương trình bố trí dân cư của Chính phủ với tổng vốn đầu tư là 414 triệu đồng để tái định cư cho 20 hộ dân vùng sạt lở núi của xã Trà Giang. Khu tái định cư được xây dựng hoàn chỉnh các hạ tầng thiết yếu (mặt bằng, cấp nước và điện sinh hoạt). Sau khi xây dựng xong vào cuối năm 2006, xã Trà Giang đã đưa 20 hộ dân thôn 1 đến tái định cư và Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ theo chế độ nhà nước quy định (2 triệu đồng/hộ).

Tại thời điểm này, ngoài chính sách hỗ trợ di chuyển của Nhà nước theo Quyết định số 190/2006/QĐ-TTg, xã chưa có nguồn hỗ trợ lồng ghép nào khác nên các hộ di chuyển không đủ điều kiện để làm nhà ở kiên cố được. Và do ảnh hưởng của bão số 9 (tháng 11/2009) đã làm một số nhà trong khu tái định cư bị sập, tốc mái nên nhiều hộ dân đã quay về nơi ở cũ, hiện trong khu tái định cư này còn 3 hộ dân đang sinh sống.

Điểm tái định cư Đồi 3 cụm, xã Long Hiệp, huyện Minh Long được xây dựng và hoàn thành vào đầu năm 2008 với tổng vốn đầu tư 506 triệu đồng để tái định cư cho 50 hộ dân thôn 3, xã Long Hiệp là các đối tượng bị ảnh hưởng do thiên tai đến tái định cư.

Tuy nhiên, cũng giống như một số khu tái định cư khác, người dân vẫn còn đất ở và đất sản xuất tại nơi ở cũ nên các hộ này tiếp tục sinh sống tại nơi cũ để tiện việc sản xuất. Ngoài ra, nhiều hộ thuộc diện tái định cư hiện đi làm ăn xa nên chưa quan tâm đến việc xây dựng nhà ở trong khu tái định cư.

Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư là Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục làm việc với UBND xã Long Hiệp để đề nghị địa phương vận động các hộ dân đã nhận đất sớm vào khu tái định cư nhằm ổn định cuộc sống và tránh lãng phí nguồn vốn đã đầu tư xây dựng công trình.


Cũng liên quan đến các khu tái định cư một số đại biểu đặt câu hỏi: Hạn mức cấp đất ở cho mỗi hộ dân nằm trong khu vực dự án Hồ chứa nước Nước Trong là 400 m2; nhưng khi tái định cư chỉ cấp có hơn 100m2 đất ở, không có đất để xây dựng công trình phụ gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, đến nay nhân dân thuộc diện tái định cư dự án hồ chứa nước Nước Trong vẫn chưa được giao đất sản xuất và chưa được hỗ trợ gạo sau khi đến tái định cư, khiến đời sống nhân dân khó khăn. Vậy hướng giải quyết đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ gạo cho nhân dân như thế nào? Khi nào người dân được giao đất sản xuất và hỗ trợ gạo?


Ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết: Đến nay, Dự án đã xây dựng cơ bản hoàn thành 6 khu và 1 điểm tái định cư (TĐC) trên địa bàn 2 huyện Sơn Hà và Tây Trà. Theo Dự án được duyệt bố trí cho 286 hộ dân TĐC tập trung, gồm: khu TĐC Đồi Gu và điểm TĐC Suối Tê - huyện Sơn Hà; khu TĐC Bắc Nguyên 2, Suối Y, Sờ Lác, Cà La, Giờ Lao - huyện Tây Trà.

Hiện diện tích đất ở được cấp cho các hộ tại các khu, điểm TĐC từ 160-400m2/hộ, không đủ 400m2/hộ cho tất cả các hộ TĐC tập trung, do một số khu, điểm TĐC không đủ quỹ đất để bố trí cho các hộ tái định cư.
 
Khu tái định cư thuộc dự án Hồ chứa nước Nước Trong việc bố trí đất ở chưa bằng 1/2 diện tích với dự kiến ban đầu khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn.
Nhà ở  tái định cư thuộc Dự án Hồ chứa nước Nước Trong được bố trí diện tích quá ít (chưa bằng 1/2 diện tích so với dự kiến ban đầu) nên  khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn.

Còn việc người dân thuộc diện tái định cư dự án hồ chứa nước Nước Trong  vẫn chưa được giao đất sản xuất và chưa được hỗ trợ gạo thì ông Dương Văn Tô cho rằng, một số điểm tái định cư đã giao đất ruộng, vườn rừng cho các hộ dân tuy nhiên nhiều khu tái định cư do dự án đang triển khai thi công khai hoang ruộng; lập phương án bồi thường diện tích đất vườn rừng. Theo kế hoạch, cuối năm 2013 sẽ giao đất ruộng, vườn rừng cho các hộ dân thuộc diện TĐC trên địa bàn huyện Tây Trà.
 
Trả lời câu hỏi về tình trạng hiện nay một số diện tích rừng phòng hộ tại địa bàn các xã như Trà Nham, Trà Trung (huyện Trà Bồng), Sơn Bao (huyện Sơn Hà) bị đốn hạ, đốt cháy để làm rẫy. Trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp trong thời gian đến như thế nào để bảo vệ được diện tích rừng phòng hộ?

Ông Dương Văn Tô cho biết: Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, xác minh sự việc nêu trên. Qua xác minh tại xã Sơn Bao, diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá trái pháp luật trên địa bàn xã Sơn Bao là 42.800m2 thuộc tiểu khu 206, loài cây trồng là keo tai tượng được trồng vào năm 2004, với 18 hồ sơ vi phạm. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng (BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham) và các ngành chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường, thiết lập hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc người dân ở khu tái định cư thôn 4 và tổ 1 thôn 1 - xã Trà Thuỷ, huyện Trà Bồng thuộc dự án thuỷ điện Hà Nang phá rừng để lấy đất sản xuất, nguyên nhân là do người dân khu tái định cư thuỷ điện Hà Nang thiếu đất sản xuất.

Từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 47 vụ phá rừng, với diện tích 80.633 m2; trong đó, đã xử lý 20 vụ, còn lại 27 vụ đang thụ lý hồ sơ chờ xử lý.   

Việc để xảy ra tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn tỉnh nói chung và ở xã Sơn Ba nói riêng trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Nông nghiệp và PTNT, trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi liên quan đến việc Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi chậm thu mua mía khiến vùng nguyên liệu chết khô, chuột cắn phá, gây ảnh hưởng lớn đến trữ lượng đường và thu nhập của người dân. Nhiều hộ dân phải đốt đồng mía để lấy đất trồng cây hoa màu khác cải thiện thu nhập.

Trả lời vấn đề này, ông Dương Văn Tô cho biết, theo công văn trả lời của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi thì Nhà máy đường tổ chức vào vụ từ ngày 15/12/2012 và dự kiến kết thúc vụ vào ngày 31/5/2013. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thu hoạch có những tác động khách quan như:

Thiếu nhân công thu hoạch mía trong thời điểm bà con tập trung thu hoạch lúa vụ đông xuân và gieo sạ lúa vụ hè thu. Tại huyện Ba Tơ, trong tháng 5, thời tiết bất thường có mưa dông sớm nên tiến độ thu hoạch không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nhất là công tác vận chuyển mía rẫy gặp nhiều khó khăn.


Còn nguyên nhân nhiều diện tích mía cháy là do bất cẩn trong việc đốt dọn rác sau thu hoạch, riêng tại xã Nghĩa Lâm có 3 vụ mía cháy, trong đó 2 vụ do bất cẩn, 1 vụ cố tình đốt phá nhưng công an và UBND xã chưa xác định được nguyên nhân.
 
Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp.
Đại biểu tham gia chất vấn tại kỳ họp.
 
Trả lời câu hỏi về Công trình kè lát mái tại xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh do Sở NN&PTNT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng vào năm 2007, khi bàn giao cho xã Tịnh Sơn đã bị sụt lún, do nằm trên nền đất yếu. Tuy nhiên công trình này đến nay vẫn chưa khắc phục gây bức xúc cho nhân dân?

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Mậu Văn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho rằng: Tổng chiều dài kè là 1.000 mét, hoàn thành tháng 10/2008, tháng 11/2009, một đoạn kè 99 mét bị sạt lún do tầng đất yếu nhưng không khảo sát thiết kế kỹ. Qua kiểm tra thì đã xử lý phạt các đơn vị liên quan. Sở NN&PTNT đã trình để xin kinh phí bổ sung để sửa chữa, nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Sau trả lời chất vấn của đại diện Sở NN&PTNT, nhiều đại biểu cho rằng, những trả lời của Sở NN&PTNT là chưa thỏa đáng và hợp lý, thiếu tinh thần trách nhiệm. Riêng đối với công trình kè lát mái tại xã Tịnh Sơn, việc để sạt lở thì trách nhiệm của ai thì đơn vị đó phải nhanh chóng khắc phục, không để kéo dài rồi đỗ qua, đỗ lại gây bất bình trong nhân dân, trong đó trách nhiệm của Chủ đầu tư cần làm rõ.

Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư công trình trong khi chưa bàn giao đã bị sạt mái, vì vậy công tác tư vấn thiết kế chưa làm đến nơi đến chốn.Vì vậy đề nghị UBND tỉnh làm rõ trách nhiệm của Sở đến nơi đến chốn chưa. UBND tỉnh cũng cần khẩn trương chỉ đạo quyết toán và có giải pháp khắc phục để đảm bảo phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng.

Liên quan tới câu hỏi về việc thu mua mía của Nhà máy Đường Phổ Phong, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc trả lời của Sở NN&PTNT về nguyên nhân chậm thu mía là không thỏa đáng, bởi vì nhiều nơi, khi mía chín, người dân đã báo lên địa phương hơn chục ngày vẫn chưa được giải quyết.

Liên quan đến các Khu tái định cư, nhiều đại biểu cho rằng, nhiều khu tái định cư đã hoàn thành từ nhiều năm, nhưng hầu hết các Khu tái định cư chưa đáp ứng được yêu cầu ổn định cuộc sống của nhân dân. Nhiều nơi, dân chưa đến ở nhưng công trình thì đã xuống cấp, hư hỏng. Cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư.

Liên quan đến tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, đại biểu cũng cho rằng, thời gian qua việc phá rừng ở nhiều địa phương miền núi do công tác quy hoạch đất sản xuất chưa hợp lý, nhiều nơi người dân chưa được bố trí đất sản xuất như thôn 1, 2 xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng.

Bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, đối với dự án di dân tái định cư hồ chứa nước Nước Trong, kế hoạch kế hoạch ban đầu là 400m2 nhưng sau này thì cấp chỉ 160-300m2 là không hợp lý. Các địa phương cần tiếp tục giám sát vấn đề này. Nhiều khu tái định cư việc di dời dân đến tái định cư được hỗ trợ kinh phí quá thấp khiến người dân nghèo ở huyện miền núi không thể đến tái định cư được. Việc chọn vị trí để xây dựng khu tái định cư không hợp lý, người dân không đến ở. UBND tỉnh cần chỉ đạo làm rõ trách nhiệm về sự lãng phí này.

Cũng trong phiên chất vấn, các đại biểu đã dành thời gian để chất vấn lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi xoay quanh công trình nước sạch và vệ sinh do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư có giá trên nửa tỷ đồng, cao hơn rất nhiều lần so với các tỉnh khác.
Ông Thái Văn Đồng- Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi.
Ông Thái Văn Đồng- Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi.

Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 6 huyện miền núi do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư hoàn thành từ những năm trước. Tuy nhiên hiện nhiều hạng mục sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí. Trách nhiệm thuộc về ai?

Trả lời vấn đề này, ông Thái Văn Đồng- Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết, hiện các công trình nước sinh hoạt và vệ sinh do Sở GD-ĐT làm chủ đầu tư không có công trình nào trên nửa tỷ đồng. Hiện Chủ tịch UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra, thời gian thanh tra là 60 ngày.

Đối với dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 5 huyện miền núi do Sở GD-ĐT làm chủ đầu với số điểm trường xây dựng và sửa chữa là 130 điểm. Việc xây mới các phòng học, phòng chờ giáo viên tại điểm trường lẻ, nhà vệ sinh đều theo đúng mẫu thiết kế của dự án do ban điều hành dự án tỉnh làm chủ đầu tư. Riêng các hạng mục nhà vệ sinh, bể nước của một số trường sử dụng chưa hiệu quả do thiếu nguồn nước phục vụ.

Sở GD-ĐT cũng có một phần trách nhiệm, đó là không theo dõi việc sử dụng các công trình này để kịp thời phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sử dụng…

Phát biểu kết luận về vấn đề này, bà Trương Thị Xuân Hồng- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, việc trả lời của Sở GD-ĐT là chưa đầy đủ. Đối với công trình nước sinh hoạt và vệ sinh do Sở làm chủ đầu tư, hiện UBND tỉnh đã tiến hành thanh tra, sau khi có kết quả thanh tra UBND tỉnh sẽ báo cáo với HĐND tỉnh. Sở GD-ĐT nên nghiêm túc rút kinh nghiệm và phải lắng nghe ý kiến của nhân dân, của cử tri cũng như qua kênh báo chí.

 

M.Toàn
 

 


.