Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh: Tập trung thảo luận tình hình KT-XH

05:07, 02/07/2013
.

(QNĐT)- Như tin đã đưa, sáng 2/7, HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức khai mạc kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XI.

TIN LIÊN QUAN


Trong phiên họp ngày đầu tiên, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm năm 2013

Hầu hết các đại biểu đều bày tỏ phấn khởi trước những kết quả đáng mừng về tình hình KT-XH của tỉnh trong 6 tháng đầu năm. Bên cạnh những kết quả đạt được, thì tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh vẫn còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế.

 

Chủ tọa kỳ họp.
Chủ tọa kỳ họp.


Đại biểu Đặng Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho rằng, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho các huyện miền núi, nhờ đó mà kinh tế-xã hội của các huyện miền núi phát triển đáng kể. Tuy nhiên hiện nay, có nhiều lĩnh vực vẫn chưa được quan tâm khiến đời sống của người dân còn khó khăn, trong đó có việc tiếp cận điện lưới quốc gia.

Huyện Sơn Hà hiện có trên 5.500 hộ chưa sử dụng được điện lưới quốc gia, hoặc sử dụng điện không đảm bảo an toàn. Ông Dũng cũng cho rằng, thời gian qua, việc đầu tư các khu tái định cư cho nhân dân không hợp lý nên không người không đến ở. Qua kiểm tra thì rất nhiều nhà tái định cư được xây dựng quá nhỏ và thấp, hạ tầng thiếu…

Đại biểu Phạm Vinh- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh cho biết: Nhiều cử tri cho rằng tuyến đường Bình Tân, quốc lộ 24B bị xuống cấp và đã kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết. Tình trạng thu nợ đọng thuế gặp không ít khó khăn, điều này ít nhiều ảnh hưởng đến nguồn thu chung của tỉnh. Cụ thể như việc thu hồi nợ thuế của Công ty 577 trên địa huyện gặp khó khăn. Việc di dời Nhà máy mì Tịnh Phong cũng gặp khó khăn, do người dân sợ ô nhiễm. Tỉnh cần quan tâm đến việc quy hoạch khu đô thị mới tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh.

Đại biểu Phan Bình- Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho rằng: Sản xuất nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2013 của tỉnh đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên hiện nay nhiều cây trồng của người nông dân như mía, mì, keo… hầu như chưa được nhà nước quan tâm đầu tư từ đầu vào cho đến đầu ra. Vì vậy, giá của các loại cây trồng này luôn bấp bênh, khiến nông dân gặp khó khăn. Vì vậy nhà nước, ngành nông nghiệp cần có chính sách để khuyến khích cũng như hỗ trợ đầu ra cho các loại cây trồng trên.

 

Đại biểu tham gia thảo luận.
Đại biểu tham gia thảo luận.


Theo đại biểu Nguyễn Hồng Sơn- Hội doanh nghiệp tỉnh:  Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các dự án xây dựng. Tình trạng nhiều doanh nghiệp được cấp đất, nhưng nhiều năm qua không triển khai hoạt động đến nay vẫn chưa bị thu hồi, gây lãng phí đất và dư luận không tốt.

Đại biểu Đoàn Dụng- Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho rằng, tỉnh cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn trong việc thu nợ đọng thuế. Chỉ riêng huyện Bình Sơn số nợ đọng thuế 6 tháng đầu năm 2013 là trên 12 tỷ đồng. Tỉnh cũng nên đẩy mạnh giải quyết những vấn đề tồn đọng, nhất là việc tranh chấp đất giữa công ty cao su với người dân các xã khu Tây huyện Bình Sơn. Chất lượng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia hiện nay cần xem lại, bởi chất lượng khám bệnh ban đầu ở những trạm y tế đạt chuẩn này còn yếu.

Đại biểu Phạm Thanh Hải- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hiện rất nhiều người nghèo chưa được tiếp cận BHYT, vì vậy chúng ta cần phải đẩy mạnh tuyên truyền và có chính sách để làm sao cho những hộ nghèo này được mua BHYT. Tình trạng nợ BHXH của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn quá nhiều, nhưng chưa giải quyết rốt ráo, chế tài vấn đề này cũng chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới cần có những biện pháp mạnh hơn, có như vậy thì người lao động mới được hưởng đầy đủ chính sách mà nhà nước quy định.

Đại biểu Hồ Ngọc Thịnh- Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Trà Bồng kiến nghị: Hiện nay người dân ở các khu tái định cư trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, nhất là khu tái định cư thủy điện Hà Nang. Ngoài ra, nhiều khu tái định cư được xây dựng chỉ có mặt bằng, hầu như không có gì nên người dân không đến ở.

Liên quan đến công tác xây dựng cơ bản, nhiều đại biểu cho rằng, hiện nay nhiều công trình đầu tư ở miền núi không đảm bảo chất lượng, tiến độ chậm. Vì vậy, trong thời gian đến các địa phương cần phải chấn chỉnh tình trạng này.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, nhiều đại biểu cho rằng, công tác giáo dục hiện nay, nhất là bậc tiểu học, mầm non còn nhiều bất cập. Một thực tế hiện nay là số học sinh ở miền núi chậm biết đọc, biết viết hơn học sinh ở đồng bằng, nguyên nhân là do các trường mầm non ở đồng bằng đã tiến hành dạy đọc, viết cho trẻ em mầm non.

Một thực trạng nữa trong giáo dục ở các huyện miền núi hiện nay là trong khi báo cáo ngành giáo dục cho rằng đã cơ bản xóa xong trường học tranh tre, nứa lá, thế nhưng hiện tại tình trạng học sinh, nhất là bậc tiểu học còn học trong các lều bạt rất nhiều, ngoài ra tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em ở miền núi còn cao. Vì vậy, tỉnh cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhất là trường bán trú cho bậc mầm non.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, hiện tỷ lệ đạt chuẩn cấp học mầm non mới 13% là quá thấp, vì vậy trong thời gian đến tỉnh cần đầu tư hơn cho cấp học này.  Nhiều đại biểu cũng kiến nghị tỉnh cần có những chính sách để đầu tư xây dựng trường bán trú cho các huyện miền núi, có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho con em ở các huyện miền núi theo học.

 

Bài, ảnh: M.Toàn

 


.