(Baoquangngai.vn)- Sáng 12/6, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân năm 2022 với chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”. Chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang và trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước.
[links()]
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Tham dự buổi gặp gỡ, đối thoại tại điểm cầu tỉnh Quảng Ngãi có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ngành liên quan; lãnh đạo LĐLĐ tỉnh…
Hơn 4.500 công nhân, người lao động tham gia chương trình tại điểm cầu trực tiếp Bắc Giang và 63 điểm cầu tại trụ sở Tổng LĐLĐ Việt Nam và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là diễn đàn để công nhân, người lao động cả nước gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, để chuẩn bị cho chương trình, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp Công đoàn, các cơ quan báo chí Công đoàn mở diễn đàn, tổ chức nghiên cứu, nắm bắt, tổng hợp kiến nghị, ý tưởng, đề xuất của công nhân lao động với Đảng, Nhà nước. Đến nay, Tổng Liên đoàn đã nhận được gần 10 nghìn câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động gửi tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp, ngành.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động. |
Mở đầu cuộc gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, từ ngày thành lập nước, Đảng, Nhà nước luôn đặt mục tiêu là làm sao để đất nước ta được độc lập, tự do; nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Đảng, Nhà nước lấy con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực của sự phát triển, trong đó có giai cấp công nhân, người lao động. Đảng, Nhà nước luôn luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, công nhân, người lao động để hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện.
Trong 2 năm qua, do có khó khăn vì đại dịch Covid-19 nên các cuộc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp bị hạn chế. Cuộc gặp gỡ, đối thoại này Chính phủ muốn nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, chế độ, chính sách; lắng nghe ý kiến của công nhân, người lao động. Do đó, đề nghị công nhân, người lao động chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, hết sức xây dựng để tìm giải pháp tốt nhất thực hiện mục tiêu nêu trên.
Đây là lần thứ sáu chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân được tổ chức. Hoạt động ý nghĩa này được duy trì đều đặn từ năm 2016, tới năm 2021 thì gián đoạn do đại dịch Covid-19. |
Cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa công nhân và Thủ tướng diễn ra trong bầu không khí sôi động, nhiều ý kiến đưa ra tập trung vào 10 nhóm vấn đề lớn như: Tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách Bảo hiểm xã hội đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động; giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động; vấn đề nhà ở, trường học, thiết chế Công đoàn; chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân lao động để hạn chế "tín dụng đen"; chính sách đào tạo nghề; xử lý những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về các chế độ đối với người lao động; nơi khám chữa bệnh; an toàn thực phẩm; chợ cung cấp nhu cầu thiết yếu cho công nhân lao động.
Cùng với các nhóm vấn đề nêu trên, sau gần hai tiếng rưỡi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành liên quan đã trao đổi, giải thích, trả lời thấu đáo, thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm các câu hỏi của công nhân lao động trong cả nước.
|
Các đại biểu tham dự buổi gặp gỡ, đối thoại tại điểm cầu Quảng Ngãi. |
Phát biểu kết luận buổi gặp gỡ đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức, tập hợp các ý kiến; các ý kiến của công nhân đúng, trúng, cần quan tâm giải quyết. Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của công nhân tại cuộc đối thoại này và khẳng định: “Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, trong đó có Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp thu, lắng nghe các ý kiến, tập hợp các vấn đề để tập trung rà soát lại các cơ chế, thể chế chính sách, nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện. Trong đó chú ý tâm tư nguyện chính đáng của công nhân lao động”.
Qua đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn đội ngũ công nhân, người lao động tiếp tục phát huy truyền thống, vai trò lịch sử của giai cấp công nhân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng giải quyết kịp thời các vấn đề mới nảy sinh, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, trong đó có công nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp thu thẳng thắn những ý kiến, kiến nghị công nhân gửi gắm, để công nhân có điều kiện đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Các địa phương tiếp tục lắng nghe, phối hợp các bộ, ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam để giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân.
Tin, ảnh:
H.P