Tìm lời giải để nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có

09:09, 29/09/2020
.

(Baoquangngai.vn)- Ngày 28/9, tại TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc đối thoại với nông dân về chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại”.

Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nông dân kể từ lần đầu tiên vào tháng 4/2018 tại Hải Dương. Tham dự Hội nghị có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu, gồm lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hơn 300 nông dân xuất sắc, tiêu biểu đại diện cho hơn 14 triệu hộ nông dân của cả nước cùng các chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp.

Hơn 1.400 câu hỏi của nông dân cả nước, trong đó đa số là câu hỏi của nông dân miền Trung-Tây Nguyên gửi tới cuộc đối thoại. Tại hội trường, các nông dân đã trực tiếp đặt ra 22 câu hỏi đối với Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ, ngành.

Trả lời câu hỏi về giải pháp gì để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cà phê bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cà phê là sản phẩm chủ lực chiến lược của Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam rất tốt, được thế giới đánh giá cao. “Vì vậy, tôi khuyên bà con chúng ta vẫn tiếp tục trồng cà phê. Tuy nhiên, phải quy hoạch vùng trồng cho rõ ràng”. Nông dân không được tiếp tục phá rừng tự nhiên để trồng cà phê. Về phía Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tiếp tục mở rộng ổn định thị trường, cấp vốn để tái canh cà phê, nâng cao chất lượng tái canh. 

Bên cạnh đó, chúng ta phải đẩy mạnh chế biến sâu, hiện nay, tỉ lệ chế biến sâu mới đạt 12%, còn lại chủ yếu là sản xuất thô, cùng với đó quy hoạch vùng trồng phù hợp nhất. Trách nhiệm của nông dân và doanh nghiệp là phải giữ vững thương hiệu cà phê Tây Nguyên. Cà phê Tây Nguyên là thương hiệu quý hơn vàng. 

Về giải pháp xây dựng, mở rộng nhiều nhà máy chế biến nông sản ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, biến Tây Nguyên thành khu vực công nghiệp chế biến nông sản lớn của cả khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng cho biết, những năm qua, công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có tiến bộ. Trong năm nay, chúng ta khánh thành 15 nhà máy chế biến nông sản, trong đó có nhà máy chế biến thịt gà đứng vào tốp lớn nhất thế giới… Dù vậy, dư địa về phát triển chế biến nông sản của Việt Nam còn rất lớn.

Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi cơ chế chính sách để kêu gọi các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường và đầu tư vào chế biến nông sản. Muốn phát triển được chế biến nông sản thì không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún mà chúng ta phải sản xuất có quy hoạch. Phát triển nông nghiệp chế biến là hướng đi đúng giúp nâng cao giá trị nông nghiệp của Việt Nam.

Cuộc đối thoại cũng tập trung vào thảo luận những vấn đề lớn, gồm tiêu thụ nông sản, phát triển thị trường, vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, biến đổi khí hậu, bảo đảm nông thôn văn minh, hiện đại; vấn đề vốn, chống tín dụng đen, di dân tự do…

Cho rằng cuộc đối thoại là một kênh quan trọng đối với Chính phủ trong hoạch định chính sách, Thủ tướng nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, nông thôn như ngày hôm nay có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân, 19 triệu lao động nông nghiệp. 

Hiện nay, nước ta còn 65% dân số sống ở khu vực nông thôn. Phát triển khu vực nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống nhân dân ấm no, hạnh phúc chính là nội hàm quan trọng hàng đầu, là bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nông dân càng giàu thì đất nước càng mạnh, xã hội càng thịnh vượng.

Hiện nay, nhiều nông sản của Việt Nam dù có thị phần xuất khẩu đứng đầu thế giới như cà phê, hồ tiêu, cao su, hạt điều, gạo… nhưng vẫn còn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến còn thấp. Đây là điểm yếu nhưng cũng là cơ hội nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam.

Nông nghiệp luôn là mỏ vàng nhưng nếu không biết khai thác thì cũng sẽ cạn kiệt và kém hiệu quả. Vì vậy, cần chú trọng hồi phục hệ sinh thái, phát triển nông nghiệp phải gắn với các mục tiêu bảo vệ và phát huy hiệu quả, bền vững các tài nguyên nước, đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường sống cho người dân như tinh thần và quan điểm kiến tạo phát triển của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Thủ tướng bày tỏ, còn nhiều trăn trở mà Chính phủ, các bộ, ngành qua đối thoại lần này cần phải quan tâm xử lý, giải quyết, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn, người nông dân nâng cao thu nhập, phát triển bền vững và làm giàu.

Thủ tướng nhắc đến việc giải quyết vấn đề vốn cho nông dân, giải quyết vấn đề đất đai, nhất là đồng bào dân tộc, có đất sản xuất, có nước uống, có nhà ở là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Giải quyết vấn đề môi trường sống, giải quyết vấn đề quy hoạch vùng sản xuất tốt hơn nữa. 

Thủ tướng rất mong các địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền tăng cường dân chủ cơ sở, các đồng chí lãnh đạo địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã cần thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành phải tránh bệnh quan liêu, xa dân, cần đi sát thực tiễn để đề xuất chính sách tốt hơn.

Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT bám sát nhiệm vụ chiến lược, kịp thời xây dựng các văn bản pháp luật, các chính sách liên quan, đặc biệt là quy hoạch sản xuất và một số chính sách nông dân quan tâm như chính sách bảo hiểm nông nghiệp.

PV

 

 


.