Nghề cá có trách nhiệm

02:11, 12/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thật ra, nghề nghiệp nào cũng cần phải có trách nhiệm. Song với ngành thủy sản Việt Nam thì việc cấp thiết lúc này là sớm chuyển đổi ý thức sản xuất của ngư dân từ “nghề cá nhân dân” sang nghề cá có trách nhiệm.
TIN LIÊN QUAN

Ngày 6.11, tham gia trả lời phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản, đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Dự kiến trong tuần tới, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Biển và Thủy sản Châu Âu sẽ sang làm việc tại nước ta và kiểm tra thực tế tại một số địa phương về việc thực hiện IUU. Nếu như không vượt qua lần kiểm tra này, thì “thẻ vàng” có khi không được gỡ bỏ, thậm chí lại bị nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”. 
 
Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, cũng như sự phát triển bền vững của ngành thủy sản và cả nền kinh tế của Việt Nam (năm 2018, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ USD – PV). Nhưng trực tiếp hơn cả là đời sống ngư dân sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, ngư dân Quảng Ngãi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, bởi tỉnh ta là một trong hai địa phương (sau Kiên Giang) có lượng tàu thuyền khai thác vùng khơi lớn nhất cả nước.

Hơn hai năm qua, cùng với các bộ, ngành liên quan và 27 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, Quảng Ngãi đã tích cực thực hiện khuyến cáo của EC về IUU. Tuy đã đạt một số kết quả nhất định, song việc thực hiện các nội dung khuyến cáo vẫn chưa đạt yêu cầu.

Rõ ràng, không có cách nào khác là ngành thủy sản cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng phải xây dựng nghề cá có trách nhiệm. Trước hết, cần nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017 và Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Với Quảng Ngãi, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi cần triển khai hiệu quả việc tái cơ cấu ngành thuỷ sản theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Trong đó, ngành cần phối hợp với cơ quan chức năng xử lý, tiến tới chấm dứt việc khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt và khai thác thuỷ sản gần bờ; tuyên truyền, vận động người dân để hạn chế các nghề không thân thiện với môi trường; vi phạm vùng biển nước ngoài... Cùng với đó, tập trung phát triển đầu tư công nghệ, hiện đại hoá các tàu thuyền và tăng tỷ lệ nuôi trồng thuỷ sản, gắn với việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, để có thể thu hồi được “thẻ vàng” của EC và chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững, thì “các địa phương phải quyết liệt, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì danh dự của Việt Nam”, như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ trong phiên chất vấn tại hội trường Quốc hội vừa qua.
 
HOÀNG HÀ
 

.