Nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị, để bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế và quản lý hiệu quả biên chế, Chính phủ nên quy định số lượng biên chế tối đa của các cơ quan, đơn vị căn cứ theo vị trí việc làm.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Sáng 25-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày nêu, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và dùng một luật để sửa hai luật, tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương; rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan hành chính nhà nước.
Nên quy định số lượng biên chế tối đa theo vị trí việc làm
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật, các đại biểu: Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi), Cao Đình Thưởng (Đoàn Phú Thọ) cùng một số đại biểu cho rằng, để bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế và quản lý hiệu quả biên chế, Chính phủ nên quy định số lượng biên chế tối đa của các cơ quan, đơn vị, căn cứ theo vị trí việc làm để làm cơ sở pháp lý thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, tránh trường hợp cộng dồn cơ học hoặc tạo ra cơ chế “xin - cho” biên chế.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Đoàn Quảng Ngãi). |
Về tổ chức chính quyền địa phương, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật vẫn nặng về giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân (HĐND), phó trưởng ban, các ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện mà chưa chú trọng nhiều đến việc sửa đổi, bổ sung quyền hạn, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, hoạt động để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Trong khi đó, nhiệm vụ của HĐND không chỉ là biểu quyết thông qua các vấn đề ủy ban nhân dân (UBND) trình mà phải tăng cường dự báo, cân đối nguồn lực của địa phương, giữ vững định hướng phát triển.
Về số lượng phó chủ tịch HĐND tỉnh, đa số đại biểu tán thành với phương án 1 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình xin ý kiến, đó là giữ nguyên quy định HĐND cấp tỉnh có hai phó chủ tịch hoạt động chuyên trách như tại Điều 18 và Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) và Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Tiền Giang) kiến nghị cần quy định cụ thể các chủ thể ủy quyền và được ủy quyền; điều kiện bảo đảm cho thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền ở các cấp chính quyền ở từng loại đơn vị hành chính.
Mặt khác, việc phân quyền, phân cấp phải rạch ròi, việc nào của trung ương, việc nào của địa phương, tránh trường hợp quy định việc lớn của trung ương, việc nhỏ của địa phương nhưng phân cấp lại không có việc nào là nhỏ. Bên cạnh đó, khi thực hiện nhiệm vụ, các đơn vị phải xin ý kiến của cấp trên, và các báo cáo xin ý kiến của cấp trên phải được trả lời bằng văn bản đồng ý hoặc không, tránh trường hợp kéo dài, dễ xảy ra tiêu cực.
"Thời gian qua, đã có tình trạng khi xảy ra sự cố, trên đổ cho dưới, dưới đổ cho trên, đùn đẩy, sợ trách nhiệm", đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu.
Tại phiên thảo luận, về việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc giao Chính phủ quy định khung số lượng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương.
Thêm phó chủ tịch UBND xã không làm tăng biên chế
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thay mặt cơ quan soạn thảo, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra, tiếp thu các ý kiến và giải trình làm rõ một số vấn đề.
Vế số lượng cấp phó chủ tịch UBND các xã loại 2, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu, qua tổng kết thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc thêm phó chủ tịch với xã loại 2 như Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình xin ý kiến đại biểu là có cơ sở và không làm tăng biên chế cả nước.
“Nghị định 34/2019/NĐ-CP sửa đổi quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố đã xác định cụ thể số lượng cán bộ công chức từng loại đơn vị hành chính, trong đó xã loại 1 là 23 người, xã loại 2 là 21 người và xã loại 3 có 19 người. Phó chủ tịch UBND xã nằm trong số biên chế được giao nên không làm tăng biên chế”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lý giải.
Về thời hạn thí điểm hợp nhất văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội, văn phòng HĐND và văn phòng UBND, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, theo Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tổng kết mô hình thí điểm hợp nhất ba văn phòng vào cuối năm 2019. Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tổ chức tổng kết và Bộ sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát và tổng kết vào cuối năm 2019.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, các cơ quan liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp.
Theo Hà Nội mới