Cam kết lúc ra khơi

02:03, 05/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chưa lúc nào mà lời cam kết của ngư dân trước các cơ quan chức năng trong phiên mở biển đầu năm mang một ý nghĩa quan trọng như năm nay. Đó là: “không xâm phạm vùng biển của các nước khác khi hành nghề khai thác cá”. Sở dĩ nói quan trọng là bởi, vào tháng 9.2017, Ủy ban Châu Âu đã phạt thẻ vàng cho những sản phẩm thuộc hải sản Việt Nam nhập vào các nước EU, vì ngư dân đã khai thác hải sản trên vùng lãnh hải của các nước khác; trong khi những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp của ngư dân trong nước.

TIN LIÊN QUAN


Ủy ban Châu Âu cũng ra tối hậu thư cho Việt Nam là trong vòng 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện thì họ sẽ phạt thẻ đỏ, cấm vĩnh viễn hải sản Việt Nam nhập vào Châu Âu. Như vậy, nước ta đang đứng trước nguy cơ sẽ mất nửa tỷ đô la mỗi năm vì chiếc thẻ đỏ này. Vì vậy, những cam kết của ngư dân trong phiên mở biển đầu năm nay không còn là lời nói gió bay như mọi năm nữa.

Ngư dân các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi trong những ngày qua liên tục xuất bến ra khơi. Đây là những đội tàu chuyên khai thác xa bờ, chủ yếu là vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trước khi xuất bến, chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng cũng đã căn dặn mọi điều, trong đó, việc quan trọng nhất là chỉ được phép khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta.

Do đặc thù của Biển Đông, vùng biển giữa các nước bị chồng lấn nhau, nên việc xâm nhập một vài hải lý là điều vẫn thường xảy ra giữa ngư dân các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, việc “lỡ đà” khác hoàn toàn với việc cố ý xâm nhập, vi phạm chủ quyền lãnh hải nước khác để đánh bắt cá trái phép. Đã có hàng nghìn ngư dân và hàng trăm tàu cá của Việt Nam bị các nước bắt giữ trong những năm qua đã nói lên sự “cố ý” đó. Tuy nhiên, nếu như trước đây, ngư dân nước ta xâm nhập lãnh hải nước khác chỉ bị bắt phạt tù hoặc nộp tiền phạt, thì hiện nay, tình trạng này còn kèm theo chế tài là “phạt thẻ vàng", "thẻ đỏ” như đã nói ở trên, gây thiệt hại cho không chỉ ngư dân đó mà cho cả quốc gia nữa.

Để ngăn ngừa những sự cố đáng tiếc, mới đây, Tổng Cục thủy sản đã đưa ra hàng loạt các chế tài. Theo đó, các tàu cá phải gắn thiết bị giám sát hành trình, tàu nào xâm phạm lãnh hải các nước sẽ bị phạt từ 1-2 tỷ đồng. UBND huyện Bình Sơn cũng đã khuyến cáo các tàu đánh cá trước lúc ra khơi rằng, nếu tàu nào bị phát hiện xâm phạm vùng biển nước khác sẽ bị tước giấy phép hành nghề 6 tháng, chủ tàu bị cấm hành nghề trong 4 tháng...

Đất nước hội nhập với thế giới đã lâu, nên nghề khai thác cá không thể đứng ngoài cuộc. Đã đến lúc phải tuân thủ luật chơi của thế giới thì mới phát triển bền vững được. Vì vậy, lời cam kết của ngư dân lúc ra khơi cũng cần phải được kiểm chứng trong thời gian tới.

TRẦN ĐĂNG
 


.