(Baoquangngai.vn)- Chiều 5.5, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ tháp Núi Bút, TP.Quảng Ngãi. Tại đây, các chuyên gia khảo cổ công bố rằng, đã phát hiện bộ linh vật Linga-Yoni được xếp vào loại lớn nhất của văn hóa Chămpa tại khu vực núi Bút.
TIN LIÊN QUAN
Dự buổi họp có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Minh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Sau 1 tháng khai quật tại tháp Núi Bút, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật giá trị. Cụ thể là 109 hiện vật di tích tháp Núi Bút bao gồm các loại chất liệu: Đất nung, gốm sứ có men, đá. Ngoài ra còn có gần 2.000 mảnh vỡ hiện vật gồm gạch vỡ xếp gọn gần di tích, mảnh gốm, sành, sứ để tại kho tham khảo của Bảo tàng. Hai tượng Kinnari không nguyên vẹn: mất đầu và một phần cánh, hai đầu tượng Nam thần không nguyên vẹn.
Đặc biệt bộ Linga - Yoni có kích thước lớn. Linga có đường kính 40cm, cao 43cm. Yoni dài 168cm, rộng 124,4cm, dày 25,5cm.
Bộ linh vật Linga-Yoni được phát hiện tại tháp Núi Bút. |
Những hiện vật điêu khắc trang trí đá và đất nung phát hiện được tại tháp Núi Bút là những hiện vật đẹp và hiếm gặp. Qua những hiện vật này có thể nghiên cứu, phân tích, so sánh để xác định niên đại và phong cách cho di tích tháp Núi Bút.
Qua so sánh sơ bộ bình đồ cũng như hiện vật với những ngôi tháp đã được xác định phong cách và niên đại, có thể đoán định tháp Núi Bút thuộc giai đoạn cuối phong cách chuyển tiếp từ phong cách Sơn Mỹ A1 (thế kỷ X) sang phong cách Bình Định (thế kỷ XII-XIV) nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XI.
Dịp này, Ban tổ chức cũng đưa ra một số kiến nghị cần bảo tồn và sớm phục hồi lại nguyên trạng một cách khoa học bình đồ móng tháp Chămpa núi Bút. Bảo vệ và phát huy di tích đã được phục hồi bằng một kiến trúc vừa có chức năng bảo vệ, vừa có hình thức thẩm mỹ tương xứng với giá trị và phù hợp với cảnh quan đặc biệt của núi Bút.
Tin, ảnh: Thanh Phương