(Baoquangngai.vn)- Sáng 4.4, nhằm ngày 27.2 âm lịch, Ban Khánh tiết đình làng An Hải, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ Thanh minh và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Tháng hai là mùa gió nồm thổi về hướng bắc, ngày này năm xưa, những người dân quân giăng buồm xuôi gió trực chỉ quần đảo Hoàng Sa, đến tháng tám khi gió bấc thổi về hướng nam mới thuận gió trở về. Trên những con thuyền nhỏ thô sơ, mỏng manh trước phong bão táp, nhiều người đã bỏ mình giữa biển khơi.
“Hoàng Sa trời đất mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa đi dễ khó về/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”, lời ca ấy luôn vang vọng tâm khảm bao nhiêu thế hệ người Lý Sơn như để tưởng nhớ những bậc tiền hiền thuở ấy.
Lễ tế anh linh những cai đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa. |
Dưới mái đình làng An Hải, hàng trăm người dân và du khách tứ phương tề tựu về đây để tưởng nhớ đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã tuân lệnh vua ban ra Hoàng Sa khai thác sản vật và đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền đất nước.
Ông Nguyễn Thanh, người chấp chinh (đánh chiêng) lý giải: “Làng An Hải tổ chức lễ Thanh minh kết hợp lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, sau lễ cúng các vong hồn lưu lạc ở chùa Âm hồn là lễ khao lề ở đình làng An Hải”. Cũng là những vong hồn lưu lạc, nhưng những hùng binh Hoàng Sa được làm lễ tế theo cách riêng.
Thả thuyền câu tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa |
Sau hồi chuông vang vọng mở đầu lễ tế, thầy điển lễ đọc bài văn tế nhắc tên những cai đội hùng binh Hoàng Sa: Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Đặng Văn Siểm, Võ Văn Khiết… những hùng binh
“thân vì Tổ quốc son sắt một lòng ngang dọc chí nam nhi/ phong ba chẳng quản mưa gió chẳng sờn”.
Giữa tiếng ốc u trầm hùng, vị phù thủy đọc bài phép xua đuổi tà ma trước hai chiếc thuyền câu cùng những hình nhân thế mạng. Trước khi thả thuyền câu xuống biển, tiếng ốc u trầm hùng lại vang lên lần nữa như bao quá khứ hào hùng, bi tráng của cha ông dội về.
Ông Nguyễn Phúc Nhân-Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ngãi nói: “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một nghi lễ mang đậm tính nhân văn và giàu ý nghĩa, là di sản văn hóa độc đáo. Lễ khao lề là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ quá khứ hào hùng, bồi đắp cho chúng ta tình yêu quê hương, đất nước và có những hành động thiết thực để xây dựng quê hương”.
Tiếng ốc u trầm hùng vang lên khi hai chiếc thuyền câu được thả xuống |
Tiếp nối truyền thống ông cha, suốt bốn thế kỷ qua, bao lớp người Lý Sơn chẳng ngại thiên tai, nhân tai tiếp tục vươn khơi ra Hoàng Sa đánh bắt hải sản mưu sinh và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Một ngày để tưởng nhớ những hùng binh Hoàng Sa, và cũng là để luôn nhắc nhớ chúng ta rằng Hoàng Sa, Trường Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc không thể tách lìa.
Hiền Linh