(Baoquangngai)- Đến sáng 16.11 mưa vẫn chưa dứt, hàng loạt địa phương ở các huyện miền núi, vùng trũng ven sông ở huyện đồng bằng bị cô lập; quốc lộ 1 bị chia cắt nhiều đoạn. Người dân Quảng Ngãi đang gồng mình trong cơn lũ lịch sử. Công tác cứu hộ, trợ giúp và khắc phục hậu quả đang được các cấp chính quyền khẩn trương triển khai...
Nghĩa Hành tan nát sau lũ
Khó khăn lắm chúng tôi mới có thể tiếp cận được với vùng lũ còn chia cắt của huyện Nghĩa Hành. Bởi mọi phương tiện hầu như không thể tiếp cận được và cuối cùng phải nhờ tới ca nô của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Theo UBND huyện Nghĩa Hành thì các xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây và Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành được xem là bị thiệt hại nặng nhất, bởi 100% nhà cửa của các xã trên đều bị ngập chìm trong nước từ 3-5 mét nước. (Xem chi tiết)
Đường hư hỏng, tàu, xe “đứng bánh”
Phóng viên N.Triều - Ý Thu thông tin: Mưa lớn kéo dài khiến nhiều đoạn trên tuyến đường Mỹ Trà - Mỹ Khê, thuộc địa phận thôn Liên Hiệp 1 (thị trấn Sơn Tịnh, Sơn Tịnh) bị hư hỏng nặng. Theo quan sát của phóng viên, hàng trăm mét phân cách đường bị sạt hoàn toàn. Nhiều cột đèn đường dọc hai bên đường bị ngã đổ.
Tuyến đường Mỹ Trà-Mỹ Khê bị hư hỏng nặng |
Ông Phạm Vinh- Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh, cho hay: Do nước chảy xiết, sáng 16.11, cầu Kênh (thị trấn Sơn Tịnh) đã bị nước lũ làm sạt lở phần đầu cầu. Trước tình hình trên, Sở GTVT đã khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện để sửa chữa hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt.
Ông Hà Hoàng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Nhiều đoạn ở Quốc lộ 24B bị đất từ núi sạt lở xuống, vùi lấp hoàn toàn, không ai qua được. Những tuyến đường khác như Quốc lộ 24, Quốc lộ 24C cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Hiện Sở GTVT đang điều động thanh tra chốt chặn và lập biển cảnh báo ở các đoạn đường nguy hiểm, còn những vùng bị vùi lấp thì đang cho xe ủi sửa lại đường.
Theo ông Bùi Văn Hải- Trưởng Ga Quảng Ngãi, các chuyến tàu Thống Nhất hiện đã phải tạm dừng, do tuyến đường sắt đoạn qua Quảng Ngãi đang bị chia cắt.
Vào lúc 3 giờ 16.11 một trận lũ ống tràn qua thôn Xà Nay, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà, làm 5 ngôi nhà bị sập; Trường TH Sơn Nham bị hư hỏng nặng; 4 phòng ở nhà công vụ giáo viên của trường này bị sập hoàn toàn. Có 1 người bị thương. Toàn bộ diện tích mì, mía và các loại cây khác của thôn bị trôi, hư hỏng. Hiện nay, khu vực này nước vẫn còn ngập sâu, hiện 110 hộ bị cô lập. TN |
Các đoàn công tác cũng đã vận động nhân dân khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Qua đó, chuyển hàng trăm thùng mì tôm cứu đói cho nhân dân ở các vùng bị ngập sâu.
Đến 14 giờ 30 phút ngày 16.11, trên địa bàn huyện Nghĩa Hành vẫn còn nhiều xã như Hành Tín Tây, Hành Thịnh… bị ngập sâu trong nước. Riêng 3 thôn Tân Hòa, Phú Khương, xóm Trũng Bầu thôn Tân Phú 1 của xã Hành Tín Tây vẫn còn bị chia cắt, cô lập hoàn toàn. Thiệt hại có 5 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương. (Xem chi tiết)
Khẩn cấp cứu trợ cho người dân vùng lũ
Sáng 16.11, hàng trăm ĐVTN tình nguyện cùng với lực lượng công an tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức vận chuyển mì tôm, nước uống đến cứu trợ cho bà con vùng lũ huyện Sơn Tịnh. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay trên địa bàn huyện Sơn Tịnh có một người bị mất tích, còn thiệt hại về tài sản rất lớn, huyện vẫn đang tiếp tục thống kê. Chính quyền địa phương đang nỗ lực dùng các phương tiện canô để tiếp cận các khu vực bị cô lập để tiếp tế lương thực, nước uống cho người dân. (Xem chi tiết)
Cộng tác viên Thanh Kỳ cho biết: Trưa ngày 16.11, mưa đã tạm ngưng trên địa bàn huyện Đức Phổ nhưng vẫn còn hơn 10.400 nhà dân ở địa bàn 11 xã trong huyện ngập sâu trong nước. Trong đó, có hơn 4.000 căn nhà ngập sâu từ 1,5m trở lên, nhiều nhà ngập sâu từ 2,5 – 3m. Những xã ven sông Trà Câu: Phổ Nhơn, Phổ Ninh, Phổ Văn và Phổ Minh bị nước lũ nhấn chìm, chia cắt nhiều khu dân cư.
Nhà dân bị ngập sâu trong nước |
Cứu hộ cháu bé chưa đầy 4 tháng tuổi |
Ông Phạm Văn Sáu – Chủ tịch UBND xã Phổ Minh cho biết: Nước lũ tràn vào nhà hơn 1.000 hộ dân trong xã. Nhiều căn nhà ngập sâu hơn 2m. Từ ngày 15 – 16.11, lực lượng chức năng của huyện cùng với xã đã di dời những hộ dân ở những vùng trũng thấp đến nơi an toàn, ưu tiên cho người già, phụ nữ và trẻ em. Xã cũng đã trích kinh phí mua mì tôm và nước uống cấp phát cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
“Nước lũ lên rất nhanh. Vào lúc chiều tối ngày 15.11, chỉ mới mấp mé vào nhà và ngay sau đó lên cao hơn 1m. Các vật dụng trong gia đình đều bị chìm trong nước, gà, vịt và heo chết rất nhiều” – ông Huỳnh Tân ở thôn Tân Tự, xã Phổ Minh cho biết.
Tuy chưa gây thiệt hại về người, nhưng lũ lớn đã nhấn chìm và gây sạt lở hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện, nhiều nhà dân và công trình công cộng bị xói lở, gây hư hại nặng. Nước lũ tràn qua nhiều đoạn trên QL1 gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ liền.
Sơn Tây: Sạt lở đất, hai vợ chồng bị mất tích
Khoảng 19 giờ ngày 15.11, hơn 10.000 m3 đất đá phía ta luy dương đã đổ ập xuống cuốn trôi hoàn toàn 1 ngôi nhà và 2 vợ chồng anh Đinh Văn Lang và chị Đinh Thị Hiếp ở thôn Gò Lã – xã Sơn Dung (Sơn Tây). Trong tối qua và sáng ngày hôm nay, BCH PCLB&TKCN huyện Sơn Tây đã huy động toàn bộ lực lượng tại chỗ để khẩn trương tìm kiếm 2 hai nạn nhân bị đất đá cuốn trôi. (Xem chi tiết)
Tiếp cận cứu trợ người dân ở Xuân Phổ
Phóng viên Thanh Nhị cho biết: Sáng 16.11, Đoàn công tác của tỉnh do ông Lê Viết Chữ - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh cùng huyện Tư Nghĩa và Lữ đoàn công binh 790 (Quân khu 5), Cơ quan quân sự huyện Tư Nghĩa đã tiếp cận với thôn Xuân Phổ (xã Nghĩa Kỳ - Tư Nghĩa) bằng ca nô. Hơn 300 thùng mì tôm và hàng trăm chai nước đóng chai đã được trao đến tay người dân vùng lũ.
Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lê Viết Chữ trao mì tôm cứu trợ người dân Xuân Phổ. |
Hiện tại mực nước tại thôn Xuân Phổ đã bắt đầu rút nhưng rất chậm. Nhiều vùng vẫn còn ngập sâu trong nước. Đêm qua, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã cử lực lượng cùng thuyền máy về thôn Xuân Phổ di dời khẩn cấp hơn 800 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Do mực nước dâng cao đột ngột nên rất nhiều tài sản, vật nuôi của người dân thôn Xuân Phổ đã bị cuốn theo con nước. Toàn bộ hệ thống điện thắp sáng, điện thoại bị gián đoạn. Ngoài lương thực, thực phẩm, người dân thôn Xuân Phổ đang rất cần hỗ trợ về nước uống, vì toàn bộ các giếng nước của người dân nơi đây đã ngập sâu trong nước.
Theo Trung tâm dự báo KTTV Quảng Ngãi: Hiện nay, lũ trên các sông trong tỉnh Quảng Ngãi đang xuống chậm.
Mực nước lúc 11h00 ngày 16/11/2013 trên các sông như sau: Sông Trà Bồng tại trạm Châu Ổ: 4.03m, dưới mức BĐ3: 0.47m. Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 6.33m, dưới mức BĐ3: 0.17m. Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 5.49m, trên mức BĐ3: 0.99m. Sông Trà Câu tại trạm Trà Câu: 6.08m, trên mức BĐ3: 0.58m. Dự báo: Trưa đến chiều nay (16.11) lũ trên các sông trong tỉnh tiếp tục xuống chậm và còn ở mức rất cao. Sông Trà Bồng và sông Trà Khúc dao động trên mức BĐ2. Sông Vệ và sông Trà Câu dao động trên mức BĐ3. Vùng hạ lưu các sông còn ngập lụt trên diện rộng.
PV
|
Phóng viên Mai Hạ dẫn thông tin từ ông Huỳnh Thương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ: Đến 11 giờ 30, ngày 16.11, hệ thống điện, điện thoại trên địa bàn bị tê liệt hoàn toàn. Đèo Đá Chát thuộc Quốc lộ 24 địa phận xã Ba Liên bị sạt lở nghiêm trọng, ước khoảng 7000 m3 đất đá, ập xuống tuyến đường kéo dài hơn 100mét, gây tắc nghẽn tuyến đường về huyện và đi các tỉnh Tây Nguyên.
Chưa thống kê cụ thể được mức độ thiệt hại Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi sáng 16.11, ngoài cháu Vương Thị Thu Thủy (quê xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) bị tử vong do mưa lũ, một người khác cũng bị thương do lở núi ở thôn Gò Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ. 5 nhà dân ở các huyện Ba Tơ, Sơn Tây và Tư Nghĩa bị cuốn trôi, 3 nhà ở Nghĩa Hành bị tốc mái, hư hỏng nặng do gió lốc. Tỉnh Quảng Ngãi phải di dời hơn 7.000 hộ dân với khoảng 22.000 nhân khẩu ở các địa phương ven sông Trà Khúc, sông Vệ đến nơi an toàn. Trong tối 15.11, do nước sông tiếp tục dâng, lực lượng cứu hộ đã phải sơ tán thêm 600 hộ với hơn 3.500 người dân đến nơi an toàn. PV |
Nước lũ chia cắt nhiều đoạn ở Quốc lộ 1
Theo ông Hà Hoàng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở GTVT, hiện nước lũ đã dâng ngập đường ở nhiều nơi, có đoạn sâu 1,15 mét. Cụ thể là: KCN Tịnh Phong, thị trấn La Hà (Tư Nghĩa), thị trấn Sông Vệ, đoạn qua xã Phổ Văn, chợ Trà Câu huyện Đức Phổ... Quốc lộ 24 cũng bị ngập lụt nghiêm trọng. (Xem chi tiết Nước lũ chia cắt nhiều đoạn Quốc lộ 1 qua Quảng Ngãi)
Vào lúc 9 giờ sáng nay, lũ trên sông Trà đã xuống tương đương mức báo động 3. Ảnh: QN |
Những khúc cây lớn mà nước lũ cuốn về trong đêm nằm lại tại bờ kè TP. Quảng Ngãi. |
Trắng đêm vượt lũ cứu dân
Cộng tác viên Thành Hân thông tin: Chiều 15.10, nhận tin báo nước sông Trà Khúc, sông Vệ đang lên nhanh, các đơn vị trong lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Ngãi đã cơ động tập kết tại huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn và TP. Quảng Ngãi để cùng với chính quyền địa phương tổ chức di dời dân.
Các chiến sỹ, dân quân tự vệ đắp bờ kè Sông Trà Khúc |
Tại thành phố Quảng Ngãi lúc 22 giờ, nước lũ sông Trà Khúc tiếp tục dâng cao, tràn qua bờ kè phía Nam dọc dài từ cầu Trường Xuân đến cầu Trà Khúc. Để hạn chế nước lũ trà về phía TP.Quảng Ngãi Ban CHQS thành phố đã điều động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ khẩn trương cơ động đến bờ kè. Đại tá Trương Hồng Quang, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, đã điều 10 ca nô, thuyền máy và 650 cán bộ, chiến sỹ thuộc Bộ chỉ huy chia làm 6 mũi tham gia di dời dân.
Với tinh thần cứu dân là trên hết nên các đơn vị đã huy động tối đa phương tiện, lực lượng tập trung vào các vùng xung yếu. Tại các xã dọc sông Trà Khúc như Nghĩa Chánh, Nghĩa Dõng, Nghĩa Dũng.
23 giờ 30 ngày 15.11, tất cả mọi ngả đường về xã Nghĩa Dõng đều bị chia cắt. Chiếc ca nô của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi do Trung úy Lê Ngọc Thạnh điều khiển xé nước đi về hướng xã Nghĩa Dũng-nơi ấy bà con đang cầu cứu.
Ca nô đang chay theo men bờ sông, Trung úy Lê Ngọc Thạnh phát hiện có ánh đèn pin loang loáng và cánh tay người dân cầu cứu trên mái nhà. Chiếc ca nô đi tới. Mọi người trên ca nô hỏi “Có mấy người mắc kẹt trong đó?”. Tiếng người đàn ông có vẻ yếu ớt: “3 người! Chết mất các anh ơi!”. Thương úy Minh Duy liền lao xuống, bơi vào ngôi nhà đang chìm dần. Người đầu tiên được các anh cứu là cụ bà Bùi Thị Loan (73 tuổi). Tiếp đến là 2 cháu nhỏ con vợ chồng anh Nguyên Văn Toán.
Chưa hết bàng hoàng, cụ Bùi Thị Loan ôm đứa cháu ngoại vào lòng, giọng run run: “Nó mới 3 tháng tuổi các cháu ơi!”. Khi tất cả mọi người trong nhà đã lên hết trên ca nô, Bà Loan nói. Nếu không có các chú bộ đội thì gia đình tôi nguy mất!”.
Cháu bé 3 tháng tuổi được cứu trong lũ dữ |
Trắng đêm cùng dân vượt lũ (từ 5 giờ ngày 15.11 đến 2 giờ, ngày 16.11) các đơn vị của Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi đã đưa gần 12.000 người dân ở khu vực bị ngập nặng đến nơi cao ráo, an toàn; trước đó đã di dời được 1.750 hộ với 3.460 người. Trong đêm cán bộ chiến sỹ LLVT đã cứu 45 người ở TP. Quảng Ngãi đưa về nơi an toàn.
Tiếp tục cập nhật