"Bệnh lạ" và "Bệnh sĩ"

01:05, 20/05/2012
.

(QNg)- Cho tới nay, "bệnh lạ" mà người dân xã Ba Điền-huyện Ba Tơ mắc phải đã sang năm thứ 3, và đã có 21 người bệnh bị tử vong, cho tới giờ này, ngành y tế Việt Nam đã phải bó tay, không biết gọi tên là bệnh gì, không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Tác nhân gây bệnh cũng chưa tìm ra. Bộ Y tế sau khi khảo sát, xét nghiệm nhiều ngày tại thực địa đã nêu lên giả thuyết tác nhân "bệnh lạ" có thể do dân ăn gạo mốc, cả người dân và lãnh đạo Ba Tơ đều không phục giả thuyết này.

TIN LIÊN QUAN

Ông Phạm Viết Nho-Bí thư Huyện ủy, ông Lê Hàn Phong-Chủ tịch huyện đều khẳng định rằng, việc gọi gạo ủ theo phong tục người Hrê ở Ba Tơ là "gạo mốc" là một cách gọi hết sức sai lầm! Đồng bào Hrê có tập tục khi gặt lúa về là cho ngay vào kho để "ủ", khi ăn mới mang thóc ra phơi và xay gạo. Gạo đó là "gạo ủ" chứ không phải gạo mốc, do hạt gạo còn nguyên, rắn chắc chứ không nát. Bao đời nay, người Hrê ở Ba Tơ đã ăn "gạo ủ" như vậy mà có sao đâu!

Xem ra, lập luận của các chuyên gia Bộ Y tế đã bị người dân Ba Tơ bác bỏ một cách dễ dàng. Tuy vậy, Ba Tơ đã ứng kinh phí mua hàng trăm tấn gạo trắng "không mốc" phát cho dân mình ăn, qua đó có điều kiện so sánh, đối chiếu xem "gạo ủ" có phải là tác nhân gây "bệnh lạ" không.

Khi "bệnh lạ" chưa tìm ra căn nguyên, chưa thể gọi tên bệnh sau 3 năm "ngâm cứu", thì lẽ ra, theo ông Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lê Hàn Phong, Bộ Y tế nên mời ngay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào cuộc để họ giúp đỡ mình tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Vậy mà, ông Phong nói, có lẽ do mắc "bệnh sĩ" nên Bộ Y tế đã im lặng, phớt lờ chính đề nghị của WHO, không chịu ngỏ lời mời WHO vào cuộc truy tìm "bệnh lạ".

Ông Phong tha thiết: Bộ Y tế đừng mang người dân ra làm thí nghiệm nữa, đừng tiếp tục mắc "bệnh sĩ" nữa, mà nên mời Tổ chức Y tế thế giới vào cuộc. Lời tha thiết ấy cuối cùng cũng đã được Bộ Y tế nghe ra, sau khi đã 3 năm tìm hiểu mà vẫn không biết "bệnh lạ" là bệnh gì. WHO và Tổ chức Y tế Hoa Kỳ đã được Bộ Y tế chính thức mời vào Việt Nam và tới Ba Tơ để nghiên cứu tìm hiểu căn nguyên "bệnh lạ" và đưa ra phác đồ điều trị. Đã rất muộn, tuy vậy "muộn còn hơn không", và bây giờ chỉ còn việc đón các chuyên gia y tế thế giới và Hoa Kỳ tới Ba Tơ nhanh chừng nào tốt chừng ấy, đừng để những ca tử vong vì "bệnh lạ" tiếp tục xảy ra ở vùng đất anh hùng nhưng còn bao vất vả khổ nghèo này.

Trình độ y học ở Việt Nam hiện tại, phải thẳng thắn thừa nhận, là còn thấp so với trình độ y học tiên tiến của thế giới. Vậy thì không có lý do gì để ngành y tế Việt Nam mắc "bệnh sĩ", không chịu học hỏi cả. Mời WHO hay Tổ chức Y tế Hoa Kỳ vào cuộc truy tìm căn nguyên "bệnh lạ" ở Ba Tơ chính là một cơ hội rất tốt để các chuyên gia y tế Việt Nam được phối hợp làm việc với những chuyên gia y tế hàng đầu thế giới, qua đó, nâng cao được rất nhiều trình độ của mình. Và cái chính, là làm sao với thời hạn ngắn nhất, tốc độ nhanh nhất, truy tìm ra căn nguyên "bệnh lạ" và chữa trị dứt điểm căn bệnh quái ác này cho dân nhờ.


Thanh Thảo 

 


.