(Báo Quảng Ngãi)- Các trường học ở huyện Minh Long đã và đang đổi mới phương pháp giáo dục và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; chú trọng tổ chức các buổi học trải nghiệm... Từ đó, giúp học sinh (HS) dễ tiếp thu, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
[links()]
Tại Trường Tiểu học Long Hiệp, vào tiết tập đọc tiếng Việt, giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 1C mở video clip hoạt hình tập đánh vần tiếng Việt. Clip chỉ vài phút với phần giới thiệu hấp dẫn, nhiều màu sắc, thu hút sự chú ý của HS. Sau đó, cô giáo mời HS cùng luyện đánh vần. Cô Mai Thị Thu Thảo, GVCN lớp 1C cho biết, bên cạnh việc ghi các ý chính vào sổ giáo án giấy, thì tôi còn chú trọng soạn giáo án điện tử. Tôi làm các slide powerpoint kèm theo hình ảnh sinh động để giúp HS tiếp thu nhanh hơn.
Tiết học tiếng Việt của học sinh lớp 1C, Trường Tiểu học Long Hiệp. |
Trước mỗi năm học, Trường Tiểu học Long Hiệp luôn chủ động dạy tiếng Việt cho HS là người đồng bào Hrê. Từ tháng 7 đến giữa tháng 8 vừa qua, nhà trường dạy 150 tiết cho 102 em đồng bào Hrê chuẩn bị bước vào lớp 1. “Chúng tôi dạy HS bảng chữ cái tiếng Việt, ghi nhớ các con số, hướng dẫn các em giới thiệu tên, tuổi... Với việc gặp gỡ, trò chuyện thường xuyên sẽ giúp HS đỡ bỡ ngỡ, rụt rè, làm quen với môi trường mới. Lớp tôi có 10 HS là người Hrê. Hiện nay, các em đã dạn dĩ và chủ động trong học tập hơn”, cô Thảo chia sẻ.
Từ năm học 2019 - 2020 đến nay, Trường Tiểu học Long Hiệp còn lồng ghép việc "học và chơi" ở các giờ sinh hoạt dưới cờ, hoạt động ngoại khóa, giờ ra chơi. Theo đó, HS sẽ chủ động tìm hiểu, đứng trước tập thể kể những câu chuyện hay, ý nghĩa về Bác Hồ, nhân vật lịch sử, người thầy đáng kính. Hay vào các tháng cao điểm, nhà trường giao nhiệm vụ cho các lớp tham gia biểu diễn tiểu phẩm ngắn để tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống dịch Covid-19...
“Trường hiện có 17 lớp, với tổng số 500 HS, 34 giáo viên, cán bộ, viên chức. Trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 1 vào năm 2017. Có được thành tựu này một phần nhờ sự tận tâm, tận tình của mỗi giáo viên. Khi biết hoàn cảnh HS khó khăn, các thầy, cô giáo đã đến nhà động viên, tặng sách, vở, quần áo cho các em và đưa HS đến lớp... Mỗi thầy, cô là một tấm gương sáng để các em noi theo”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hiệp Đoàn Phú Diệp cho hay.
Cùng với Trường Tiểu học Long Hiệp, 15 trường từ bậc mầm non đến THPT trên địa bàn huyện Minh Long cũng không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong giảng dạy và học tập, thực hiện hiệu quả phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, “Lấy HS làm trung tâm”, phát huy tính chủ động của HS... Các trường học trong huyện đều thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo, mầm non và học sinh vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2025; triển khai đúng kế hoạch Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, 2, 3, 6 và 7. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện Minh Long tiếp tục giữ vững phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trong năm 2022. Hệ thống trường lớp đều được đầu tư xây dựng kiên cố. Huyện Minh Long phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 lên 12/16 trường.
Bài, ảnh:
ĐĂNG SƯƠNG