Trợ lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

04:11, 23/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc chuyển đổi số (CĐS) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến, nhưng vẫn còn ở mức độ thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do rào cản về nguồn lực và nhận thức.
 
[links()]
 
Xu hướng tất yếu
 
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng áp dụng công nghệ số trong hoạt động và quản lý, nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Việc ứng dụng các giải pháp phần mềm, nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán - tài chính, bán hàng, quảng cáo trực tuyến... giúp các DN tự động hóa nhiều quy trình thủ tục, giảm thiểu chi phí trong hoạt động.
 
Nhân viên công ty TNHH MTV du lịch Sea Tour thường xuyên cập nhật hoạt động, tương tác với khách hàng trên môi trường mạng.
Nhân viên công ty TNHH MTV du lịch Sea Tour thường xuyên cập nhật hoạt động, tương tác với khách hàng trên môi trường mạng.
Hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, thời gian qua, Công ty TNHH MTV HT Sea Tour (TP.Quảng Ngãi) đẩy mạnh việc nâng cao trải nghiệm số cho khách hàng bằng cách cập nhật thường xuyên thông tin, hình ảnh về công ty trên website, mạng xã hội. “Đối với DN nhỏ, vốn ít, việc quảng cáo về dịch vụ nếu thực hiện theo cách truyền thống, sẽ chỉ có thể thực hiện trong tỉnh hoặc một vài tỉnh lân cận. Còn trên môi trường mạng, lượng khách hàng tiếp cận là không có biên giới. Vì vậy, thời gian qua, chúng tôi luôn chú trọng đến việc tương tác với khách hàng qua website, mạng xã hội”, anh Dương Ngọc Sơn, đại diện công ty TNHH MTV Du lịch Sea Tour, cho hay.
 
Nhận thức được vai trò của CĐS trong nâng cao hiệu quả hoạt động, những năm qua, Công ty TNHH MTV Đức Huyên (Mộ Đức) đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, nền tảng số trong quản lý kế toán - tài chính. “Là DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, phải nhập vật liệu liên tục, nên tôi chủ động ứng dụng phần mềm kế toán vào hoạt động từ nhiều năm nay. Nhờ có phần mềm mà công tác kế toán trở nên dễ dàng, đơn giản hơn. Phần mềm kế toán hỗ trợ kiểm tra, đối chiếu sai sót đầu ra, đầu vào nên số liệu kế toán luôn chính xác và nhất quán”, ông Trần Đức Huyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Huyên chia sẻ.
 
Còn nhiều khó khăn 
 
Theo nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, CĐS là một trong những chiến lược then chốt mà các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới. Tuy nhiên, phần lớn DN gặp khó khăn liên quan đến nguồn lực và chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này, nên công tác CĐS trong hoạt động chưa được đầu tư mạnh.
 
“Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều DN nhỏ và vừa sụt giảm từ 50 - 90% doanh thu so với trước, thậm chí có những DN đã phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Do đó, DN cần được hỗ trợ về nguồn lực để thực hiện CĐS. Bởi CĐS được xem là giải pháp chuyển đổi, giúp DN nhỏ bước ra khỏi khủng hoảng”, Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Nguyễn Đình Cư kiến nghị.
 
Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Xuân Bắc, nhận thấy nhu cầu và tầm quan trọng của CĐS trong DN, trong Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2022 - 2025”, tỉnh khuyến khích DN thực hiện các giải pháp CĐS để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, quản trị, công nghệ... bằng cách hỗ trợ tối đa 50% kinh phí (không quá 50 triệu đồng/năm đối với DN nhỏ, không quá 100 triệu đồng/năm đối với DN vừa).
 
“Bên cạnh những trợ lực của chính quyền, đòi hỏi người đứng đầu DN phải quyết tâm triển khai CĐS, thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũ. Bởi nhiều DN cho rằng, chi phí đầu tư cho giải pháp công nghệ số và chi phí triển khai, duy trì tương đối cao so với các chi phí khác mà DN đang phải chịu. Trong khi đó, hiệu quả ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn”, ông Nguyễn Xuân Bắc nhận định.
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.