Công an tỉnh Quảng Ngãi: Góp sức chống khai thác IUU

03:03, 23/03/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Năm 2008, Ủy ban Châu Âu (EC) ban hành Quy định 1005/2008 về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Theo đó, các quốc gia xuất khẩu sản phẩm khai thác vào thị trường Châu Âu (EU) phải tuân thủ các quy định về chống khai thác IUU.
 
Thời gian qua, Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng đã có nhiều nỗ lực thực hiện các quy định về chống khai thác IUU, nhưng tình trạng vi phạm vẫn vẫn xảy ra, phổ biến là tàu, ngư dân Việt Nam xâm phạm vùng biển các nước khai thác trái phép. Hành vi này, không những vi phạm quy định về chống khai thác IUU, có nơi đã bị lợi dụng để trục lợi chính sách hỗ trợ khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.
 
Xuất hiện hành vi trục lợi chính sách
 
Theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ được nhà nước hỗ trợ tối đa 4 chuyến biển/năm; mức hỗ trợ từ 22 - 100 triệu đồng/chuyến biển, tương ứng công suất tàu từ 90CV đến trên 700CV. Một trong những điều kiện thụ hưởng là tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS), có niêm phong kẹp chì và đảm bảo hoạt động 24/24 giờ trên biển. Khi tàu xuất, về cảng, BĐBP quản lý, giám sát định biên thuyền viên đi/về; Chi cục Thủy sản tỉnh quản lý, giám sát tàu gửi tin nhắn xác nhận và theo dõi định tàu hoạt động trên biển; lực lượng tại các đảo xa quản lý, xác thực tàu cá hoạt động vùng biển xa. Quy định thế, song thực tế nhiều nơi đã phát hiện các hành vi vi phạm để trục lợi.
 
Hành vi phổ biến tàu xuất bến (cảng) đủ định biên, nhưng ra khỏi cửa biển thì thuyền viên chuyển qua tàu khác hoặc bơi thúng, theo tàu nhỏ ngược vào bờ, còn lại một vài thuyền viên tiếp tục đưa tàu ra vùng khơi hoạt động. Khi tàu trở về gần bờ, thuyền viên trong bờ đi tàu nhỏ hoặc thúng lên tàu để khi vào cửa biển, BĐBP giám sát vẫn bảo đảm đủ định biên. Ngoài ra, còn có tình trạng tàu chuyển vùng, không đi biển xa hoặc chỉ đến vùng lộng nhưng lại gửi máy nhắn tin, máy VMS cho tàu khác ra vùng biển xa. Nghĩa là, thực tế một tàu đi nhưng mang máy nhắn tin, máy VMS cho nhiều tàu khác để hợp thức hóa thủ tục hồ sơ trục lợi.
 
Trường hợp khác nữa là tàu cá gửi máy nhắn tin, máy VMS cho tàu khác hoạt động ở vùng biển xa, rồi vượt ranh giới xâm phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép. Điều này đồng nghĩa với "tàu một nơi, máy nhắn tin, máy VMS một nẻo". Sau đó, khi về lại vùng biển Việt Nam nhận lại máy nhắn tin, máy VMS rồi cập bến bình thường. Thực tế, tại Quảng Ngãi đã có trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ do xâm phạm trái phép vùng biển nước ngoài, nhưng vẫn gửi tin nhắn, định vị hoạt động tại vùng biển Việt Nam về Chi cục Thủy sản tỉnh.
 
Về phía lượng thực thi công vụ, có nơi, có lúc chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí còn buông lỏng, thông đồng, tiếp tay cho hành vi trục lợi. Cụ thể là từng lúc, từng nơi việc kiểm soát, quản lý tàu, thuyền viên ra, vào cảng chưa chặt chẽ nên không phát hiện tình trạng thuyền viên đi rồi quay về hoặc chuyển sang tàu khác. Thiếu giám sát, kiểm tra nên khâu tiếp nhận tin nhắn, định vị tàu ở biển xa không phát hiện tình trạng gian lận. Lực lượng thực thi ở đảo nhiều trường hợp làm chưa hết trách nhiệm, không có tàu, không đủ định biên hoạt động vẫn xác nhận tàu, thuyền viên hoạt động ở vùng biển xa…
 
Hiệp đồng chống IUU
 
Tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4.531 tàu cá, tổng công suất hơn 1,8 triệu CV, trong đó tàu dài từ 15 mét trở lên hoạt động vùng biển xa có 3.206 chiếc. Lao động khai thác thủy sản khoảng 38 nghìn người, hoạt động chủ yếu ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển tiếp giáp với các nước trong khu vực nên có nguy cơ vi phạm vùng biển các nước. Do vậy, công tác chống khai thác IUU luôn được Quảng Ngãi quan tâm, chỉ đạo và đã có những chuyển biến tích cực. 

 

Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng gặp gỡ, tuyên truyền, vận động ngư dân cùng chống IUU
Công an tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng gặp gỡ, tuyên truyền, vận động ngư dân cùng chống IUU.
 
Công tác quản lý tàu cá xuất, nhập bến và hoạt động trên biển được tăng cường (tàu cá được cấp Giấy phép khai thác thủy sản đạt hơn 77%; tàu lắp máy VMS đạt 98,81%), đã cơ bản kiểm soát được tàu cá địa phương hoạt động vùng biển xa (năm 2022, hệ thống giám sát phát hiện 505 lượt tàu cá địa phương vượt qua ranh giới cho phép trên biển, 814 lượt tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày; đã xác minh, kết luận và xử phạt vi phạm hành chính 47 trường hợp/46 phương tiện trên 678 triệu đồng. Đáng lưu ý năm 2022 không xảy ra tình trạng tàu cá địa phương xâm phạm vùng biển các nước bị bắt giữ. Quí I/2023, phát hiện 5 tàu cá vượt khỏi sơ đồ phần mềm hệ thống giám sát, 70 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, hiện đang xác minh làm rõ để xử lý. 
 
Dự kiến, khoảng tháng 6/2023, Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác IUU. Cùng với cả nước, Quảng Ngãi đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tập trung cao điểm 180 ngày chống khai thác IUU, quyết tâm cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC. Trong đó, Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền đến tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời, chủ công điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu, ngư dân địa phương đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài và hành vi trục lợi chính sách hỗ trợ khai thác vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg.
 
THIÊN QUỲ TỬ
 
 
 

.