(Báo Quảng Ngãi)- Đánh vào tâm lý của những người tin vào tâm linh, thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã lập nhiều trang bán hàng online để bán bùa yêu, bùa may mắn, vòng tay, nhẫn... thu về số tiền không nhỏ. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan, hoặc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
[links()]
Nhan nhản các loại bùa
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, việc xem bói, xin bùa đã trở nên dễ dàng hơn nhiều. Giờ đây, các tín đồ không cần mất thời gian, công sức đến các địa điểm tâm linh như đền chùa, miếu mạo như trước, mà chỉ cần ngồi nhà lướt điện thoại, đặt hàng.
Nhiều trang mạng, hội nhóm buôn bán bùa ngải một cách công khai. |
Không chỉ một mà có thể tìm thấy rất nhiều hội nhóm chuyên buôn bán bùa ngải trên các trang mạng xã hội. Tất cả các chủ tài khoản rao bán các loại bùa ngải đều khẳng định chắc như đinh đóng cột, là sản phẩm của họ rất linh nghiệm. Những chiếc bùa này được thỉnh ở những chốn linh thiêng, hoặc do những pháp sư, thầy cúng cao tay. Dù chưa biết đúng sai, hiệu nghiệm thế nào, nhưng đại đa số những người tham gia vào các trang Facebook, hay hội nhóm về bùa ngải đều tỏ ra rất tin tưởng và sùng bái về công dụng của nó.
Mất tiền vì cả tin
Trên thực tế, đã có nhiều người vì tin vào các loại bùa này mà dẫn đến việc mất tiền một cách oan ức. Chị Nguyễn Thị P.T, ở huyện Tư Nghĩa chia sẻ: “Là người buôn bán, tôi cũng tin vào tâm linh. Có lần được một người khách giới thiệu về một loại bùa của Thái Lan trong hình dạng một con búp bê, sẽ giúp tôi làm ăn phát đạt, nên tôi đã lên mạng đặt mua với giá hơn 5 triệu đồng. "Thầy" dặn gì đều làm theo hết, chăm sóc nâng niu như con. Thế mà nuôi tận 2 năm chẳng có kết quả gì. Việc làm ăn lại ngày càng đi xuống”.
Theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mọi người dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, nếu lợi dụng vào tín ngưỡng mà có một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại Nghị định 158/2013 là vi phạm pháp luật.
Việc mua bán bùa ngải là một trong những hành vi mang tính chất mê tín, dị đoan để trục lợi. Người vi phạm có thể bị xử phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng vì lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa... và các hình thức tương tự khác để trục lợi (tại điểm a khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013). Do đó, người dân cần nâng cao nhận thức, tránh tin tưởng vào lời quảng cáo vô căn cứ của người bán. Các cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp siết chặt các hoạt động phản cảm này.
Bị phạt từ 3-10 năm tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng
Theo Điều 320, Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm, hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Có thể bị phạt tù 3 - 10 năm, nếu gây hậu quả chết người; thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.
|
PV