Những điểm mới nổi bật Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

10:06, 28/06/2020
.
Ngày 13/6/2019, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 (Luật QLT 38) với nhiều nội dung quan trọng, theo hướng cải cách tài chính công, cải cách thủ tục hành chính thuế một cách thực chất, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, hướng tới quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra; đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế. BBT xin giới thiệu một số điểm mới của Luật Quản lý Thuế 38/2019/QH1, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 để bạn đọc tham khảo.
Thứ nhất, mở rộng quyền của người nộp thuế:
 
Tại Điều 16 Luật QLT 38 quy định về quyền của người nộp thuế thì bên cạnh các quyền quy định tại Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11, nhiều quyền mới của người nộp thuế đã được bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế như:
 
- Được nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
 
- Được biết thời hạn giải quyết hoàn thuế, số tiền thuế không được hoàn và căn cứ pháp lý đối với số tiền thuế không được hoàn.
 
- Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và pháp luật về giao dịch điện tử.
- Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch với cơ quan quản lý thuế và cơ quan, tổ chức có liên quan.
 
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
 
Thứ hai, kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN
 
Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 44 Luật QLT 38 cho phép cá nhân phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN được nộp hồ sơ chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch (kéo dài thêm 01 tháng so với Luật Quản lý thuế 78/2006/QH11 là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thức năm dương lịch).
 
Với quy định này giúp các cá nhân có thêm thời gian hoàn thiện thủ tục, hồ sơ quyết toán thuế TNCN đồng thời giúp cho các tổ chức chi trả thu nhập kịp thời cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN cho các cá nhân phải trực tiếp quyết toán. Ngoài ra, quy định này cũng giúp Cơ quan Thuế có đầy đủ hơn cơ sở dữ liệu để giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế TNCN của các cá nhân.
 
Thứ ba, bổ sung dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do đại lý thuế cung cấp.
 
Theo điểm c khoản 1 Điều 104 Luật QLT 38 đã bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ cho đại lý thuế. Đây là quy định cho phép các đại lý thuế thêm chức năng cung cấp dịch vụ kế toán ngoài việc cung cấp dịch vụ đại lý thuế đang thực hiện. Chức năng này phù hợp với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp những doanh nghiệp siêu nhỏ tiết kiệm chi phí khi thay vì phải thuê hai đơn vị thực hiện 02 dịch vụ (tư vấn thuế và kế toán) nay chỉ cần một đơn vị thực hiên hai nhiệm vụ trên.
 
Thứ tư, siết chặt quản lý hoạt động chuyển giá.
 
Hiện nay, hành vi trốn thuế thông qua chuyển giá ngày càng phổ biến. Để ngăn chặn tình trạng trên, Luật QLT 38 nghiêm cấm hành vi: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế. (Khoản 1, Điều 6).
 
Ngoài ra, để quản lý chặt chẽ hành vi trốn thuế, khoản 5 Điều 42 Luật QLT 38 cũng quy định nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết như sau:
 
- Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
 
- Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
 
Lưu ý: Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định kê khai, xác định giá tính thuế theo nội dung trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.
 
 Đặc biệt, lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong Luật Quản lý thuế.
 
Hiện nay, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử phát triển ngày càng rộng rãi thì việc xây dựng, ban hành các quy định về quản lý thuế trong lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.          
 
Tại khoản 4 Điều 42 Luật QLT 38 về kê khai thuế quy định: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Mặc dù nội dung này mang tính chất định hướng nhưng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
 
Với các quy định tại Luật QLT 38 sẽ tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật; tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.
 
Thanh Uyên
(tổng hợp)
 
 

.