Theo báo cáo mới cập nhật của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 4 ước đạt 89 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 4 tháng đạt 491,38 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong đó, thu nội địa, tháng 4 ước đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, giảm gần 1/4 so với số thu tháng 3 và chỉ bằng 65% mức cùng kỳ năm 2019. Luỹ kế thu 4 tháng đạt 408,76 nghìn tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán, giảm 3,7% so cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 đạt 36,2% dự toán, tăng 13,8%).
Tổng cục Thuế đã có văn bản chỉ đạo các Cục Thuế địa phương khẩn trương tổ chức triển khai Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế kê khai, lập, gửi giấy đề nghị gia hạn theo phương thức điện tử (qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế, Cổng dịch vụ công quốc gia), qua đường bưu chính hoặc trực tiếp tại Trụ sở cơ quan Thuế; xử lý việc gia hạn cho người nộp thuế đúng chế độ quy định, đảm bảo kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN.
Ước tính cả nước có 47/63 địa phương thu nội địa đạt trên 30% dự toán, trong đó 32 địa phương thu đạt trên 34% dự toán; 28/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 35/63 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
Thu từ dầu thô, tháng 4 ước đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm gần 2,9 nghìn tỷ đồng so với tháng 3. Lũy kế 4 tháng thu ước đạt 18,3 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 4 ước đạt 13,9 nghìn tỷ đồng giảm khoảng 5,8 nghìn tỷ đồng so tháng trước. Lũy kế thu 4 tháng đạt ước đạt 63,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán, giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 101 nghìn tỷ đồng, bằng 29,9% dự toán, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2019; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 37 nghìn tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán.
Trong 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 162,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Cơ quan Hải quan đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Ở chiều ngược lại, chi NSNN tháng 4 ước đạt 128,1 nghìn tỷ đồng; Luỹ kế chi 4 tháng đạt 472,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 19% dự toán, tăng 30,3%, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về tiến độ và mức tăng trưởng ; chi trả nợ lãi đạt 41,2 nghìn tỷ đồng, bằng 34,9% dự toán, tăng 4%; chi thường xuyên đạt 339,1 nghìn tỷ đồng, bằng 32,1% dự toán, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Để phòng, chống dịch COVID-19, ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trích từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 là 2,8 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ 8 địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn là 530 tỷ đồng.
Triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 20 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu và tiết kiệm chi của NSTW năm 2019 để hỗ trợ địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP.
Bộ Tài chính cũng cho hay: Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết tháng 4/2020, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành gần 43,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 16,33 năm, lãi suất bình quân 3,06%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).
Theo Anh Minh /Chinhphu.vn