Thẻ tín dụng (Credit Card) là một loại thẻ ngân hàng cho phép người sở hữu sử dụng để thanh toán trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Điều này có nghĩa là bạn sẽ “mượn” ngân hàng một số tiền để mua sắm, chi tiêu và cuối kỳ sẽ phải trả lại đầy đủ hoặc một phần số tiền đã mượn cho ngân hàng. Người sử dụng có thể dùng thẻ tín dụng để thanh toán trực tiếp thông qua máy quẹt thẻ POS, thanh toán trực tuyến bằng ứng dụng của ngân hàng hoặc liên kết với các ví điện tử.
Nhân viên Phòng giao dịch Vietcombank Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi) hướng dẫn khách hàng cài đặt, sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử. |
Hiện nay, việc mở thẻ tín dụng rất dễ dàng vì tất cả các ngân hàng đều mời chào khách hàng mở thẻ tín dụng. Nhân viên ngân hàng được giao chỉ tiêu phát hành mới thẻ tín dụng, nên buộc phải nỗ lực tìm kiếm khách hàng. Nhiều trường hợp vì để hoàn thành chỉ tiêu được giao, nhân viên ngân hàng đã “huy động” người thân, bạn bè mở thẻ. Vì vậy có rất nhiều người dù không có nhu cầu sử dụng thẻ nhưng vì chỗ quen biết vẫn chấp nhận mở rồi bỏ. Điều này đã vô tình dẫn đến những trường hợp bị mất tiền oan.
Đơn cử như trường hợp của chị Huỳnh Thị Quy, ở xã Bình Trung (Bình Sơn) bị mất tiền oan vì thẻ tín dụng. Theo lời chị Quy thì trước đây chị được một nhân viên ngân hàng mời chào mở thẻ tín dụng, nhưng chị từ chối vì không có nhu cầu. Tuy nhiên, nhân viên này bảo chỉ cần mở thẻ để giúp chị lấy doanh số, còn không sử dụng thì bỏ chứ không mất gì. Vì cả nể chỗ quen biết, nên chị Quy đồng ý cho nhân viên ngân hàng thông tin cá nhân để mở thẻ.
“Sau khi mở thẻ xong, chị này cũng không đưa thẻ cho tôi và tôi cũng quên. Sau một năm có một nhân viên ngân hàng điện thoại cho tôi thông báo là tôi có nợ quá hạn thẻ tín dụng hơn 700 nghìn đồng, buộc tôi phải đến ngân hàng này đóng phạt số tiền trên. Lúc này tôi mới tá hỏa vì tôi không biết thẻ này như thế nào và cũng chưa từng sử dụng. Tôi đã gọi cho chị nhân viên đã mở thẻ cho tôi nhưng không liên lạc được và chị này cũng không còn làm ở ngân hàng nữa. Tôi đành ngậm ngùi đóng tiền phạt và rút ra bài học cho bản thân. Bây giờ nghe đến thẻ tín dụng là tôi sợ”, chị Quy chia sẻ.
Mở thẻ khi thực sự có nhu cầu
Theo các ngân hàng, thẻ tín dụng được xem như một giải pháp tài chính mới cho người sử dụng bởi mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Giảm áp lực tài chính, thanh toán tiện lợi, quản lý chi tiêu dễ dàng, hạn chế mất cắp tài chính, hưởng nhiều chính sách ưu đãi, tích điểm, hoàn tiền, giảm giá khi mua sắm.
Song, khách hàng cần lưu ý một số hạn chế khi dùng thẻ tín dụng như: Phát sinh lãi khi trả chậm, mất phí rất cao khi rút tiền mặt… Nếu thanh toán dư nợ không đúng kỳ hạn, khoản dư nợ còn lại sẽ phát sinh phí phạt lên tới 5% và lãi suất lên tới 20 - 40%/năm tổng chi tiêu đã sử dụng. Trường hợp xấu hơn, chủ thẻ có thể bị liệt vào danh sách nợ xấu, bị hạn chế mở thẻ tín dụng hoặc vay tiền tại các ngân hàng khác.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho biết, phát triển thẻ tín dụng là hướng đến thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo chỉ những người thường xuyên đi mua sắm, công tác thì nên sử dụng, còn những người chưa cần không nên mở thẻ, vì nếu chủ thẻ không sử dụng vẫn bị mất phí. “Hiện nay, một số ngân hàng giao chỉ tiêu phát triển thẻ cho nhân viên, tuy nhiên vẫn có trường hợp nhân viên chưa giải thích hết chức năng của thẻ và phí, dẫn đến người mở thẻ không nắm được. Vì vậy, người mở thẻ cần tìm hiểu và sử dụng theo đúng quy định các ngân hàng đề ra. Trường hợp khi có xảy ra tranh chấp, khiếu nại, khách hàng có thể gửi đơn đến Ngân hàng Nhà nước để được giải quyết”, ông Công nói.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: