(Báo Quảng Ngãi)- Năm mươi năm lớn lên cùng mùa xuân đất nước, mùa xuân của hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc, thế hệ sinh ra trong năm 1975 luôn lấy đó là niềm tự hào, là động lực để ra sức học tập, rèn luyện với khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Dành cả tuổi thanh xuân
cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất
![]() |
Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc, hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Việt Thắng. ẢNH: NVCC |
“Tôi may mắn được sinh ra trong năm 1975, năm đất nước hòa bình, thống nhất. Thời điểm ấy muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng niềm tự hào được sinh ra trong những năm mang dấu ấn đặc biệt của đất nước đã nuôi lớn ý chí, nghị lực, quyết tâm trong tôi để vượt qua khó khăn, phấn đấu học tập, cống hiến, xây dựng đất nước”, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Nguyễn Việt Thắng chia sẻ.
Anh Thắng quê ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ngành Lọc hóa dầu (Đại học Bách khoa Hà Nội), anh lên tàu vào Quảng Ngãi để cùng đồng nghiệp xây dựng nhà máy lọc dầu (NMLD) đầu tiên của đất nước. “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vùng đất mới mà mình sẽ đến sinh sống, lập nghiệp. Rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng tôi cũng tràn đầy quyết tâm, nỗ lực để được đóng góp sức mình vào công trình quan trọng của đất nước tại Quảng Ngãi”, anh Thắng bày tỏ.
Những ngày đầu anh Thắng vào nhận việc, để đáp ứng yêu cầu công việc tại NMLD đầu tiên, anh luôn nỗ lực trau dồi, cập nhật kiến thức, nhất là học nâng cao tiếng Anh, tiếng Nga để làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Anh Thắng cùng nhiều đồng nghiệp đã trải qua thanh xuân tại Quảng Ngãi, cùng góp sức xây dựng NMLD Dung Quất phát triển như ngày hôm nay. Sau một thời gian làm Trưởng phòng Kỹ thuật của dự án, năm 2008, khi BSR được thành lập, anh Thắng được lãnh đạo tin tưởng, bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc, lúc anh mới 33 tuổi. Năm 2018, thực hiện nhiệm vụ do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao, anh được luân chuyển sang Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị. Sau 2 năm, anh trở lại BSR. Đến năm 2024, anh được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc BSR, tiếp tục cùng với Ban lãnh đạo, tập thể công ty triển khai hàng loạt phần việc quan trọng.
Đồng hành cùng NMLD Dung Quất từ những ngày đầu, anh Thắng cho hay, có 3 thời điểm khiến anh nhớ nhất, đó là năm 2005, Quốc hội quyết định tiếp tục đầu tư, triển khai dự án NMLD Dung Quất và hợp đồng tổng thầu EPC xây dựng NMLD được ký kết với Tổ hợp nhà thầu quốc tế do Technip (Pháp) đứng đầu. Lần thứ 2 là ngày 22/2/2009, cả nước đón dòng sản phẩm xăng dầu đầu tiên “Made in Vietnam”. Lần thứ 3, vào đầu tháng 5/2020, anh quay lại NMLD làm việc vào thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà máy giảm công suất rất thấp. Đến bây giờ, anh cảm thấy vui và tự hào khi NMLD Dung Quất thành công, giúp đất nước tự chủ hơn 30% nhu cầu xăng dầu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
Nữ bác sĩ của buôn làng
![]() |
Nữ bác sĩ quê ở huyện Ba Tơ Đinh Thị Mai Hương. |
Sinh ra và lớn lên ở vùng rẻo cao thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ), cô gái Hrê sinh năm 1975 Đinh Thị Mai Hương đã kiên trì theo đuổi việc học và thi đỗ vào ngành Y khoa của Trường Đại học Tây Nguyên. Năm 2001, người con gái của núi rừng Ba Tơ cầm tấm bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa hệ chính quy trở về quê, nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tơ (nay là Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ). Bác sĩ Hương là thế hệ bác sĩ tốt nghiệp hệ chính quy đầu tiên của huyện Ba Tơ lúc bấy giờ.
Lớn lên ở vùng cao, bác sĩ Hương thấu hiểu những khó khăn của đồng bào nơi đây. Ngày ấy, nhiều người dân ở huyện Ba Tơ vẫn còn giữ hủ tục lạc hậu trong sinh đẻ, chữa bệnh. “Do tin vào cúng bái và đưa đến bệnh viện quá muộn nên nhiều bệnh nhân khi đến bệnh viện đã rơi vào tình trạng nguy kịch, dù chỉ mắc phải những bệnh thông thường như tiêu chảy, sốt phát ban... Vì vậy, tôi xác định rằng, vai trò của người thầy thuốc ở vùng cao lúc này không chỉ dừng lại ở việc điều trị tốt cho bệnh nhân, mà cần gần gũi, quan tâm, giúp họ thay đổi nhận thức, để khi đau ốm, sinh đẻ, mọi người tìm đến cơ sở y tế”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Năm 2006, sau khi hoàn tất chương trình đào tạo chuyên sâu 2 năm tại Trường Đại học Y dược (Đại học Huế), bác sĩ Hương trở thành bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát. Một năm sau đó, chị được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Tơ. Cống hiến 17 năm cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ở miền núi, đến năm 2018, bác sĩ Hương được luân chuyển làm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP.Quảng Ngãi (nay là Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi). Từ năm 2021 đến nay, bác sĩ Hương được giao trọng trách là Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh.
“Năm 2021, khi tôi về công tác tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, bệnh viện được trưng dụng làm nơi điều trị bệnh nhân Covid - 19 mức độ nặng. Thực hiện nhiệm vụ trong đại dịch, tôi cùng đồng nghiệp càng thêm thấm thía về sứ mệnh của người thầy thuốc và tâm niệm hãy luôn làm tròn sứ mệnh bằng tất cả trái tim”, bác sĩ Hương bộc bạch.
Quê nghèo nuôi ý chí thành công
![]() |
Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) tại TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Tiến Đạt. Ảnh: NVCC |
Sinh ra ở thời điểm đất nước còn gặp nhiều khó khăn và lớn lên ở một làng quê nghèo, nhưng bằng ý chí và nghị lực của mình, anh Nguyễn Tiến Đạt, ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), đã trở thành tấm gương tiêu biểu của người Quảng Ngãi khi lập nghiệp tại thành phố mang tên Bác.
Gia đình khó khăn, năm 1993, anh Đạt quyết định rời quê hương vào TP.Hồ Chí Minh với khát vọng trở thành sinh viên Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, con đường ấy không hề dễ dàng. Bằng nghị lực của bản thân, anh Đạt đã thi đỗ vào ngôi trường mình mơ ước. Để có tiền đi học, anh phải làm thợ hồ, chạy xe ôm; đồng thời, tranh thủ viết báo, làm thơ, sáng tác truyện ngắn đăng báo kiếm nhuận bút. Bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời anh khi truyện ngắn “Vào đời” được đăng trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật và được một đạo diễn nổi tiếng của Hãng phim truyện TP.Hồ Chí Minh (Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh) chọn chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng “Tôi vào đời” và đoạt huy chương vàng tại Liên hoan phim Việt Nam vào năm 2000. Tác phẩm là lát cắt chân thực về những nhọc nhằn, vấp ngã đầu đời, phản chiếu hành trình trưởng thành đầy gian khó của nhân vật nhưng cũng chính là của bản thân anh trong những ngày đầu mưu sinh, lập nghiệp tại một thành phố lớn. Thành công này là cảm hứng, động lực giúp anh tiếp tục khẳng định tài năng qua nhiều tác phẩm sau này và sớm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Không chỉ tỏa sáng trong lĩnh vực văn chương, anh Đạt còn thành công trong kinh doanh. Anh hiện là Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) tại TP.Hồ Chí Minh và có nhiều đóng góp trong việc đưa ngành triển lãm trong nước hội nhập sâu rộng với quốc tế. Hơn 30 năm rời Quảng Ngãi vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp, anh Đạt luôn khắc khoải nỗi nhớ quê. Với anh, quê hương luôn là chốn khao khát trở về, là nơi đã nuôi dưỡng ý chí và nghị lực, giúp anh vươn xa hơn và đạt được những thành công hôm nay.
GIA HÂN - ĐÔNG YÊN - VĨNH TRỌNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: