Chút rêu phong của phố

10:03, 15/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa trung tâm TP.Quảng Ngãi nhộn nhịp có nhiều hẻm phố cổ kính, rêu phong. Dấu vết của thời gian hằn in trên những ngôi nhà xưa, miếu cổ và những tên gọi đưa chúng ta về với những năm tháng xa xôi.

Chín phường trung tâm của TP.Quảng Ngãi có hơn 500 hẻm phố. Trong đó, có những con hẻm được đặt tên bằng nhiều tên gọi dân dã, gắn với những câu chuyện từ xa xưa. Như hẻm 645 Quang Trung, ở phường Nghĩa Chánh, thay vì gọi tên hẻm theo số thứ tự đã được gắn biển, nhiều người vẫn gọi đây là hẻm Chợ Chùa. Cách đặt tên dung dị, dễ nhớ này, giúp hẻm 645 Quang Trung trở nên đặc biệt hơn giữa hàng trăm con hẻm được “định vị” bằng những con số của TP.Quảng Ngãi. Nguồn gốc của tên gọi này xuất phát từ việc trong hẻm có một chợ dân sinh có tên chợ Chùa. Đằng sau tên gọi chợ Chùa là một câu chuyện khá thú vị khi chợ ở gần chùa Hội Phước, nên dần dà, người dân lấy chữ “chùa” để gọi tên chợ,...

 

Men theo con hẻm 196 Trần Hưng Đạo ngoằn ngoèo, ở phường Nghĩa Lộ, đến cuối hẻm có khu vườn với 2 cây thiên tuế hơn trăm năm tuổi và dấu tích cổng sau của đền thờ cổ còn lưu dấu đến ngày nay. Tương truyền, đây là nơi bà con bên ngoại của vua Tự Đức sinh sống. Vì vậy, trước đây, dân gian thường gọi khu vườn này là vườn thích lý (bà con bên ngoại của vua). Dấu ấn tên gọi của khu vườn xưa và cây thiên tuế cổ thụ, nay lưu lại ở tên quán cà phê Vườn Thích Lý và Tuế Mai Viên ở hẻm này.

 Hẻm phố phủ dày rêu ở đường Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi) thu hút nhiều người đến
chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VÕ LỰU
Hẻm phố phủ dày rêu ở đường Nguyễn Bá Loan (TP.Quảng Ngãi) thu hút nhiều người đến chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: VÕ LỰU

Cũng giống như đặc trưng của nhiều đô thị, không gian hẻm ở TP.Quảng Ngãi phần lớn đều khá chật hẹp. Song, chính những hẻm nhỏ này lại là nơi lưu lại bản sắc văn hóa đậm nét của phố thị với nhiều miếu cổ, giếng xưa, nhà thờ họ tộc trăm năm. Ở hẻm 01 Phạm Xuân Hòa, phường Trần Hưng Đạo, ngay đầu hẻm, bức bình phong chạm nổi hình hổ vàng có tuổi đời hơn trăm năm vẫn được người dân lưu giữ, quanh năm hương khói.

Bức bình phong hổ ở hẻm 01, đường Phạm Xuân Hòa (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU
Bức bình phong hổ ở hẻm 01, đường Phạm Xuân Hòa (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU

Theo lời của người dân, bức bình phong này là dấu tích còn sót lại của nghĩa tự Long Tiên ngày trước. Trải qua thăng trầm của thời gian, nghĩa tự xưa không còn, nhưng bức bình phong hổ vẫn được người dân quanh năm hương khói và sơn vẽ lại vào mỗi dịp tết Nguyên đán. “Tôi theo ba mẹ về sống ở đây khi mới 6 tuổi. Lúc đó, chỗ bia ông hổ tọa lạc là một gò đất cao, bốn bề là các loại cây dại như ngũ sắc, chùm chày, dủ dẻ... Về sau, khi Nhà nước mở đường, mở hẻm, bia ông hổ mới trở thành một công trình nằm lọt thỏm trong hẻm như bây giờ. Bia ông hổ vẫn là điểm tựa tâm linh, được người dân xem là nơi linh thiêng và giữ gìn”, cụ bà Nguyễn Thị Hồng Vân, ở phường Trần Hưng Đạo cho biết.

Khung cảnh bình yên, hoài cổ ở một hẻm phố đường Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU
Khung cảnh bình yên, hoài cổ ở một hẻm phố đường Hùng Vương (TP.Quảng Ngãi). Ảnh: Ý THU

Thong dong qua hẻm phố nhuốm màu rêu phong của thời gian, ở đó chúng ta bắt gặp nhiều điều xưa cũ. Đặt chân vào hẻm phố, nhịp sống hối hả, tất bật nơi phố thị chợt lắng xuống và chậm lại. Hẻm này khép lại, hẻm khác lại mở ra... Những không gian đậm đà bản sắc văn hóa xưa, cứ thế tiếp nối, đan xen vào nhịp sống đương đại, trở thành “vốn liếng” đặc biệt để TP.Quảng Ngãi hòa mình vào dòng chảy phát triển.

Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

 
Xuất bản lúc: 10:03, 15/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.