Bảo tồn hệ sinh thái biển

14:30, 07/12/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xác định công tác bảo tồn hệ sinh thái biển gắn với phát triển sinh kế bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phát huy vai trò của cộng đồng dân cư tham gia bảo tồn hệ sinh thái biển.

Khai thác gắn với bảo vệ 

Những năm qua, cùng với việc khai thác hải sản, người dân ở các xã ven biển huyện Bình Sơn còn gắn bó với nghề thu hoạch rong mơ. Với vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, rong mơ vừa là nguồn thực phẩm, vừa là nơi trú ngụ, sinh sản của các loài cá, cua, tôm. Ngoài ra, rong mơ còn có khả năng hấp thụ các muối dinh dưỡng, kim loại nặng làm sạch môi trường biển. Tuy nhiên, việc khai thác rong mơ ồ ạt trong thời gian qua đã làm suy giảm hệ sinh thái biển, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Trước thực trạng này, Hội Nông dân huyện Bình Sơn đã triển khai thực hiện dự án Bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ khu vực các xã ven biển huyện Bình Sơn gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng. Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chuyên gia thì dự án còn huy động cộng đồng các xã ven biển cùng hành động bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Hội Nông dân huyện Bình Sơn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân các xã ven biển phân loại rác thải.
Hội Nông dân huyện Bình Sơn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân các xã ven biển phân loại rác thải.

Sau hơn 4 tháng triển khai dự án, đến nay, Hội Nông dân huyện Bình Sơn đã tổ chức các lớp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn rong mơ, hệ sinh thái ven bờ và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng tại các xã Bình Hải, Bình Châu, Bình Trị, Bình Thuận (Bình Sơn). Hội Nông dân huyện Bình Sơn đã thành lập 4 nhóm cốt cán truyền thông về các hệ sinh thái và phân loại rác thải ở các địa phương. Các nhóm này tuyên truyền, vận động cộng đồng tích cực tham gia và ký cam kết chấp hành việc phân loại rác thải tại nhà và khai thác rong mơ, các nguồn lợi khác từ biển trên nguyên tắc bảo vệ và khai thác bền vững. Ông Nguyễn Tấn Thành, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu cho biết, nghề khai thác rong mơ giúp tôi có nguồn thu nhập, nhưng giá trị mang lại chưa tương xứng. Bởi tôi chỉ khai thác rồi bán trực tiếp qua thương lái chứ chưa biết chế biến sâu. Khi tham gia vào dự án bảo vệ, khai thác và phát triển rong mơ, tôi được học tập, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho các sản phẩm từ rong mơ.

Phát triển sinh kế bền vững

Để bảo tồn, nâng cao giá trị cho đồng muối Sa Huỳnh, Hội Nông dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) đã triển khai dự án Bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Mục tiêu của dự án là phát triển nghề muối truyền thống Sa Huỳnh trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ngập mặn. Đồng thời, đưa Sa Huỳnh trở thành điểm đến trải nghiệm nghề muối, điểm du lịch cộng đồng kết nối văn hóa Sa Huỳnh và các hệ sinh thái. Để đạt được mục tiêu của dự án, bước đầu, Hội Nông dân phường Phổ Thạnh đã tập hợp người dân, các chi hội trưởng, tổ trưởng tổ dân phố (TDP) thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thành lập điểm thu gom pin cũ. Đồng thời, triển khai vườn ươm cây ngập mặn và đã ươm, chăm sóc được hơn 1.000 cây đưng, để trồng xung quanh cánh đồng muối Sa Huỳnh. Từ việc duy trì mô hình phân loại rác thải tại nguồn với các hộ dân tại 2 TDP Thạnh Đức 2 và Đồng Vân, mô hình này đang tiếp tục được nhân rộng tại các TDP còn lại.

Hội Nông dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) triển khai vườn ươm cây ngập mặn để trồng tại đồng muối Sa Huỳnh.
Hội Nông dân phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) triển khai vườn ươm cây ngập mặn để trồng tại đồng muối Sa Huỳnh.

Là người có hơn 30 năm gắn bó với nghề làm muối truyền thống, ông Nguyễn Thìn, ở TDP Tân Diêm, phường Phổ Thạnh cho biết, những năm qua, môi trường ở đồng muối rất ô nhiễm. Do đó, khi địa phương triển khai dự án Bảo tồn đồng muối truyền thống Sa Huỳnh gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tôi tích cực tham gia. Tôi đã chung tay ươm cây ngập mặn để trồng phủ xanh hệ sinh thái cây ngập mặn, nhằm ngăn ngừa ô nhiễm từ vi nhựa và kim loại nặng, lọc nước mặn sạch đi vào ruộng muối. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng muối Sa Huỳnh, giúp tôi và diêm dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Phổ Thạnh Thái Thuần Lăng cho biết, đồng muối Sa Huỳnh có diện tích hơn 100ha, với khoảng 500 hộ dân tham gia sản xuất. Đồng muối gắn liền với hệ sinh thái đầm nước mặn và rừng ngập mặn, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật. Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn đồng muối Sa Huỳnh là rất quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái xung quanh đồng muối và nâng cao thương hiệu muối Sa Huỳnh, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng. 

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:30, 07/12/2024

Ý kiến bạn đọc


.