(Baoquangngai.vn)- Trước diễn biến vi rút gây bệnh cúm A/H1pdm lây lan nhanh ở tỉnh Bình Định và đã có 4 ca tử vong, ngành y tế Quảng Ngãi đang tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan trong tỉnh.
Ông Võ Bàn, ở thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), bị bệnh tiểu đường. Mỗi tháng, ông đều đặn đến Phòng khám Đa khoa khu vực Tịnh Khê để khám và lấy thuốc về uống. Khi hay tin về dịch cúm A/H1pdm đang lây lan ở tỉnh Bình Định, ông vô cùng lo lắng, vì biết rằng vi rút sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu xâm nhập vào cơ thể những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền.
“Bị bệnh nền lâu nay nên tôi rất lo. Đến phòng khám thì tôi được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về cách phòng ngừa cũng như cách nhận biết dấu hiệu bệnh để kịp thời xử lý”, ông Võ Bàn chia sẻ.
Ngành y tế chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường giám sát ca bệnh cúm A/H1pdm trong cộng đồng. |
Phòng khám Đa khoa khu vực Tịnh Khê có nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân ở 6 xã khu đông của TP.Quảng Ngãi. Mỗi ngày, có khoảng 150 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tại đây.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm mùa chủng A/H1pdm, các bệnh nhân đến phòng khám đều được khám sàng lọc để kịp thời phát hiện ngay từ cơ sở. Điều dưỡng trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Tịnh Khê Trương Văn Trà cho biết, bệnh nhân nào có dấu hiệu ho, sốt sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp cách ly y tế, tư vấn chuyển lên tuyến trên lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh nếu có.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm mùa chủng A/H1pdm, các bệnh nhân đến phòng khám đều được khám sàng lọc để kịp thời phát hiện ngay từ cơ sở. Điều dưỡng trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Tịnh Khê Trương Văn Trà cho biết, bệnh nhân nào có dấu hiệu ho, sốt sẽ được hướng dẫn áp dụng các biện pháp cách ly y tế, tư vấn chuyển lên tuyến trên lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh nếu có.
Liên quan đến chủng cúm A/H1pdm khiến 4 người tử vong tại Bình Định, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không nên chủ quan với triệu chứng ho, sốt cao, mà cần đến cơ sở y tế khám, để tránh lây lan trong cộng đồng.
Người dân khi có triệu chứng ho, sốt cần đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. |
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi Lê Thị Bích Thu cho hay, cúm A/H1pdm là một trong những dịch bệnh nguy hiểm. Trung tâm y tế thành phố đã có kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ngay từ cơ sở; tăng cường tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm có sẵn khu cách ly để đảm bảo thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ.
Theo Cục Y tế Dự phòng, hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa. Chủng cúm A/H1pdm là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây lan qua hắt hơi, ho khạc và tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm vi rút sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi họng.
Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức cho biết, ngành y tế đã chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường công tác giám sát ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm đối với các bệnh nhân nhiễm cúm, viêm phổi trong cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyền về cách phòng bệnh; khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu thì đến ngay cơ sở y tế để phát hiện và điều trị kịp thời.
Người dân cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh và tiêm vắc xin phòng bệnh cúm mùa. |
Các cơ sở y tế phải có quy trình sàng lọc, phân luồng từ đầu nhằm hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện; bố trí khu vực riêng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm, viêm phổi. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, phương tiện, vật tư hóa chất để đảm bảo công tác điều trị và phòng bệnh hiệu quả nhất.
Bệnh cúm mùa thường diễn biến nhẹ, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ em và phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Ngành y tế khuyến khích người dân chủ động các biện pháp phòng ngừa bệnh cúm như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; mang khẩu trang khi đến nơi đông người, trên các phương tiện công cộng; không tiếp xúc với người có triệu chứng ho, sốt. Đồng thời, tiêm phòng các loại vắc xin phòng cúm, đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi và người có bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.
Bài, ảnh: THANH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: