Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng các loại thảo dược để phòng, chữa bệnh và tăng cường sức khỏe. Ở Việt Nam, văn hóa dùng thảo dược chữa bệnh đã có lịch sử hàng nghìn năm. Ngày nay, với sự phát triển của y học hiện đại, thuốc hóa dược gần như đã trở thành lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều người bắt đầu tin dùng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, trong đó có dược liệu.
Khi thời tiết trở lạnh, chị Lê Thị Ánh Hồng, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), luôn chuẩn bị sẵn hũ mật ong ngâm chanh đào hay gừng gió để phòng, tránh bệnh ho, cảm, sổ mũi cho các thành viên trong gia đình.
“Mình rất hạn chế cho con uống kháng sinh, vì tình trạng kháng kháng sinh hiện nay ở trẻ em rất cao. Sử dụng các loại thảo dược, hoặc thuốc có chiết xuất từ thảo dược thiên nhiên vừa có dược tính thấp và ít tác dụng phụ hơn so với thuốc tổng hợp. Đối với người lớn trong nhà mình cũng ưu tiên dùng các loại nhân sâm, linh chi, atiso... để tăng cường đề kháng, bảo vệ sức khỏe”, chị Hồng chia sẻ.
Các loại thực phẩm chức năng có thành phần từ gừng gió, đông trùng hạ thảo... được trồng ở các huyện miền núi trong tỉnh được nhiều người tin dùng. |
Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc dạng bào chế từ thảo dược thiên nhiên như thuốc xịt họng Bảo Khí Khang có chiết xuất từ cây cam thảo đất và lá sen; viên ngậm trị ho Bảo Thanh có thành phần từ các loại dược liệu như xuyên bối, sa nhân, cát cánh, gừng; kem trị mụn Thorakao, Biona có thành phần từ củ nghệ tươi...
Một xu hướng khác là sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh. Nhiều bác sĩ và chuyên gia y tế đã bắt đầu kê đơn thuốc có thành phần thảo dược bên cạnh hoặc thay thế cho thuốc hóa dược trong một số trường hợp. Sự kết hợp này giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ và chi phí cho người bệnh. Ví dụ, trong điều trị ung thư, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kết hợp thuốc từ dược liệu với hóa trị và xạ trị có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm các tác dụng phụ và tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.
Ngoài ra, thị trường thực phẩm chức năng, mỹ phẩm có thành phần từ dược liệu cũng đang phát triển mạnh mẽ. Nhiều công ty đã đầu tư nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm giàu dưỡng chất từ dược liệu như viên uống tăng cường sức khỏe, kem dưỡng da chống lão hóa, thực phẩm bổ sung có nguồn gốc thảo mộc... Các sản phẩm này đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các giải pháp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp an toàn, tự nhiên.
Thúc đẩy việc sử dụng dược liệu trong hỗ trợ và điều trị bệnh, hiện cả nước đã quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm. Đây là một hướng đi bền vững khi tận dụng được đa dạng hóa sinh học, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, vừa giúp tạo ra những cây có lợi thế vừa bảo tồn được thiên nhiên.
Hiện nay, Quảng Ngãi cũng đã quy hoạch vùng dược liệu tại các huyện miền núi trong tỉnh. Trong đó, phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa có tác dụng hỗ trợ hiệu quả trong phòng, tránh cũng như điều trị các bệnh về hô hấp như: Bụp giấm, diệp hạ châu đắng, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, gừng gió...
“Tôi thường đến các phiên chợ nông sản miền núi được tổ chức trên địa bàn TP.Quảng Ngãi mua gừng gió, rễ khỉ, quế... để ngâm cùng mật ong, rượu. Các loại này rất tốt cho cơ thể, phòng, tránh được một số bệnh, giá cả lại rẻ”, Chị Trần Thị Tánh, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho hay.
Có thể thấy, hiện nay việc sử dụng các loại thảo dược để chữa các loại bệnh thông thường được người dân tin dùng, đây là tín hiệu đáng mừng và cũng là thị trường tiềm năng để người dân khu vực miền núi trong tỉnh có thể phát triển kinh tế từ việc trồng các loại cây dược liệu bản địa.
Bài, ảnh: VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: