Nhiều thách thức khi thực hiện tiêu chí 15.3

18:15, 23/07/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nội dung tiêu chí 15.3, thuộc tiêu chí số 15 về y tế (Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025) quy định, các xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) khu vực miền núi có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi phải dưới 24%. Đây là thách thức lớn đối với các xã, thôn khu vực miền núi trong quá trình xây dựng NTM, khi tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi hiện trên 30%.
 
Tỷ lệ trẻ thấp còi còn ở mức cao

Bác sĩ Đinh Văn Đông - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trà Bùi (Trà Bồng) cho biết, trẻ em ở xã đều thấp bé do bữa ăn chưa đảm bảo đầy đủ các dưỡng chất để trẻ phát triển toàn diện. Hoàn cảnh khó khăn, nên phần lớn bố mẹ các em đi làm ăn xa, hoặc địu con lên rẫy làm thuê khi con được vài tháng tuổi, đến khi con đủ tuổi ra lớp mẫu giáo (5 tuổi) thì gửi cho ông bà, nên việc chăm sóc không chu toàn. Vì vậy, xã Trà Bùi hiện có 112/219 trẻ SDD thể thấp còi (trên 51%), là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi cao nhất huyện Trà Bồng (bình quân của huyện là 33,5%).
Cán bộ xã Long Mai (Minh Long) tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế gia đình gắn với chú trọng chăm sóc trẻ em. 									                               Ảnh: M.HOA
Cán bộ xã Long Mai (Minh Long) tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế gia đình gắn với chú trọng chăm sóc trẻ em. Ảnh: M.HOA

Tại huyện Sơn Tây, tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi hiện ở mức 42,4% (783 trẻ); trong đó, 3 xã phấn đấu về đích NTM vào năm 2025 là Sơn Mùa, Sơn Tinh, Sơn Dung có tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi lần lượt là 34,8%, 38,8% và trên 40%. Con số này quá cao so với quy định (dưới 24%). 

Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Minh Đức, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi tăng do thời gian qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, bệnh tật có chiều hướng thay đổi, đó là vừa tồn tại các bệnh lây nhiễm, vừa gia tăng các bệnh không lây nhiễm (tai nạn thương tích, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư...). Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế, nhất là nhân lực có năng lực chuyên môn cao vẫn chưa khắc phục được, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh và phát triển của y tế cơ sở. Vì vậy, dù công tác phòng, chống SDD trẻ em trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi trên địa bàn tỉnh còn cao. Riêng 5 huyện miền núi, tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi bình quân trên 32%. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bởi việc cải thiện chiều cao, tầm vóc cần lộ trình và thời gian dài, liên tục qua các thế hệ.

Triển khai nhiều giải pháp

Những năm qua, công tác phòng, chống SDD trẻ em ở các huyện miền núi có nhiều khởi sắc qua việc thực thi hiệu quả các chính sách, từng bước nâng cao chất lượng về sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em khu vực nông thôn, miền núi, cũng như thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu 15.3 trong xây dựng NTM. Đơn cử như chính sách phát triển giáo dục mầm non (theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ), hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng/cháu (bữa ăn trưa), cộng với sự đóng góp của phụ huynh, góp phần giảm tỷ lệ trẻ SDD thể nhẹ cân cũng như cải thiện dần tình trạng thấp còi.

Chủ tịch UBND xã Trà Hiệp Hồ Văn Trường cho biết, ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, xã chỉ đạo nhà trường tăng cường tuyên truyền, vận động phụ huynh đóng thêm tiền ăn (khoảng 110 nghìn đồng/tháng/cháu) nên chất lượng bữa ăn của các cháu được đảm bảo cả về số lượng (trưa, xế) và chất lượng (đầy đủ các nhóm thực phẩm). Qua đó, giảm tỷ lệ trẻ bị SDD thể nhẹ cân từ 35% (năm học 2022 - 2023), xuống còn dưới 17% (năm học 2023 - 2024).

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương nhấn mạnh, để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống SDD cho trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh sự nỗ lực của người dân trong việc tăng gia sản xuất, nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn tại gia đình, thì ngành chuyên môn cần quan tâm bổ sung nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh tuyến cơ sở.

Ngoài ra, các địa phương nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách, giải pháp giảm nghèo, phát triển kinh tế, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc sức khỏe, thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Qua đó, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi, góp phần hoàn thành tiêu chí 15.3 cũng như các tiêu chí trong xây dựng xã, thôn NTM.

Bên cạnh đó, mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng” thuộc Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025 (Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 12/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ) giúp người dân tiếp cận và thay đổi phương thức canh tác, cũng như thói quen chế biến và sử dụng thực phẩm. Từ năm 2019 - 2020 và năm 2022, đã có 160 hộ gia đình ở các xã Sơn Liên, Sơn Long (Sơn Tây) và Long Mai, Long Môn (Minh Long), những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo từ 45- 60%, tỷ lệ SDD ở trẻ em trên 30%, được chọn thực hiện thí điểm mô hình “Nông nghiệp dinh dưỡng”.

Chị Đinh Thị Thả, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai cho hay, từ 40 con vịt xiêm được hỗ trợ từ mô hình mà gia đình có thêm nguồn thực phẩm, để bổ sung vào bữa ăn hằng ngày. Hơn nữa, nhờ cán bộ Trạm Y tế xã hướng dẫn và thực hành dinh dưỡng, nên khi mang thai và chăm con nhỏ, tôi biết cách sử dụng và chế biến các loại thực phẩm cá, trứng... Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ theo lịch giúp con khỏe mạnh, chiều cao, cân nặng đều đạt tiêu chuẩn.

Đặc biệt là, dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống SDD trẻ em, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn I từ 2021 - 2025) được triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực.

Từ nguồn kinh phí của dự án 7, cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em. Triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời; củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn, xóm vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.

MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 18:15, 23/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.